Các thầy cô giáo trong phòng chống bạo lực học đường: Đề cao vai trò nêu gương

GD&TĐ - Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) đã thông tin tới hơn 160.000 giáo viên tỉnh Hưng Yên về việc triển khai công tác xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) và bảo vệ trẻ em trong ngành GD.

Hội nghị quán triệt các nội dung chủ đạo về công tác phòng chống BLHĐ được tổ chức với sự tham dự của hơn 160.000 giáo viên toàn tỉnh Hưng Yên
Hội nghị quán triệt các nội dung chủ đạo về công tác phòng chống BLHĐ được tổ chức với sự tham dự của hơn 160.000 giáo viên toàn tỉnh Hưng Yên

Kinh nghiệm phòng chống BLHĐ

Tại hội nghị trực tuyến quán triệt các nội dung chỉ đạo về phòng chống BLHĐ do Sở GD&ĐT Hưng Yên tổ chức với sự tham dự của hơn 160.000 giáo viên trên toàn tỉnh, các thầy cô đã đưa ra một số mô hình tốt, cách làm hay, chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng chống BLHĐ.

Điển hình như các Trường THPT Triệu Quang Phục, THCS Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ), THPT chuyên Hưng Yên, Tiểu học Tân Quang (Văn Lâm), THPT Mỹ Hào... Đây là các trường có nhiều kinh nghiệm không để xảy ra BLHĐ. Trong đó, tổ chức tốt việc dạy kỹ năng sống và các hoạt động vui chơi bổ ích lành mạnh, hoạt động ngoại khóa, văn nghệ thể thao, các buổi sinh hoạt chuyên đề.

Cô Trần Thị Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm - chia sẻ: Để phòng ngừa những hiện tượng BLHĐ, nhà trường đã tạo cơ sở vật chất sân chơi cho HS, hình thành các câu lạc bộ trong trường; GD kỹ năng sống (KNS), tổ chức các trò chơi dân gian, hội trại. Những hoạt động ngoại khóa hấp dẫn đã giúp HS có môi trường phát triển thể chất, tâm hồn, tránh xa các hoạt động xấu.

Cô Lê Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục- cho biết: Nhà trường luôn coi trọng phương pháp nêu gương, biểu dương kịp thời những HS có việc làm tốt trong các hoạt động; nâng cao KNS trong GD cho HS hư, HS vi phạm, không để xảy ra mâu thuẫn. Nhà trường còn có nhật ký hoạt động, thu thập HS tích cực, là vệ tinh để lấy thông tin để nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em HS khác.

Các trường học cũng đưa ra những cách làm thiết thực trong phòng chống BLHĐ như: Sử dụng các thiết bị hỗ trợ, camera, kịp thời ngăn chặn và phát hiện các hiện tượng lạ. HS chưa ngoan, hay bỏ học, không có ý thức tốt, nghiện chơi game… là biểu hiện dễ gây ra BLHĐ. Theo đó, các trường đã thành lập ban chỉ đạo, tổ tâm lý, mời các chuyên gia để giáo dục, bồi dưỡng cho các em những kỹ năng mềm. Gia đình, nhà trường giáo dục phối hợp KNS; tăng cường hòm thư góp ý, để giúp thầy cô có hướng điều chỉnh tốt.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã tập trung phân tích vai trò của người thầy: HS các thầy cô cần thường xuyên quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của HS, thực sự trở thành điểm tựa để các chia sẻ tâm tư, kịp thời tư vấn tác động và giúp HS khắc phục những hạn chế. Và hơn hết, phụ huynh chính là người thầy gương mẫu nhất, mỗi gia đình đều là môi trường GD tốt, cần đầu tư tủ sách để rèn văn hóa đọc cho từng thành viên trong gia đình. Cần sự phối hợp cả ba bên: Nhà trường - phụ huynh - HS trong phòng chống BLHĐ.

Cơ sở pháp lí vững chắc

Khẳng định ngành GD đã có cơ sở pháp lí vững chắc trong việc phòng chống BLHĐ, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngành GD đang thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng ban hành ngày 16/5/2017 về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Sở LĐ,TB&XH là đơn vị chủ trì triển khai tại các tỉnh thành phố. Các sở ngành liên quan cũng thực hiện nội dung này.

Hàng năm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng ban hành chỉ thị hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Năm học 2018 - 2019, tại Chỉ thị 2919, Bộ trưởng đã ban hành 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trên cơ sở đó, các cơ sở GD-ĐT cũng căn cứ cụ thể hóa và triển khai. Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV cũng tham mưu với lãnh đạo Bộ để kí hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV trong vai trò GD toàn diện cho người học.

Vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã kí một số văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm an toàn trường học, trong đó có Công văn 1259 ngày 5/4/2018. Ngoài ra còn có một số giải pháp được đưa ra như các nhà trường thành lập đường dây nóng và công khai để HS và người dân cung cấp các vấn đề liên quan.

Bộ trưởng cũng đã kí chương trình hành động phòng chống BLHĐ giai đoạn 2018 - 2021 trong các cơ sở GDPT, MN và GDTX. Đây là những giải pháp rất quyết liệt và rất kịp thời để xử lí chỉ đạo triển khai công tác GD, bảo đảm môi trường GD an toàn lành mạnh, thân thiện phòng chống BLHĐ cũng như các vấn đề liên quan.

Để khắc phục một số hạn chế, trong thời gian tới, các thầy cô, các nhà trường cần thực hiện một số nội dung mang tính phòng ngừa nhiều hơn là chống. GD phòng ngừa BLHĐ là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ sở GD. Đây được coi là ưu tiên trong hướng chỉ đạo tới đây trong việc GD toàn diện cho HS. Theo đó, các nội dung về bảo đảm trường học an toàn, lành mạnh thân thiện, tổ chức các hoạt động tập thể, giáo dục đạo đức lối sống, lí tưởng cách mạng, KNS, TDTT, tư vấn tâm lí, công tác xã hội phải được tăng cường và tổ chức thiết thực, hiệu quả.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của các Sở GD&ĐT, những hoạt động này sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn. HS sẽ tham gia vào và qua đó hoàn thiện nhân cách và hoàn thiện KNS của mình để tránh xa các tệ nạn xã hội và các nguồn lây nhiễm mang yếu tố tiêu cực từ mạng xã hội hoặc các trò chơi bạo lực khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ