Chủ tọa buổi đối thoại gồm đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ GD&ĐT và ĐSQ Thụy Điển. Ảnh: gdtd.vn |
Tại cuộc đối thoại này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã khẳng định: Các vụ tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục không nhiều và quy mô không lớn. Đặc biệt, trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị giáo dục, các chương trình mục tiêu quốc gia được Nhà nước đầu tư với số lượng tài chính rất lớn nhưng công tác kiểm toán hàng năm cho thấy chưa phát hiện có những sai phạm đáng kể phải xử lý hình sự.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2006 đến nay có 8 hành vi tham nhũng tại các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT; 2 hành vi tham nhũng tại các cơ sở thuộc quản lý của Bộ, ngành khác;13 sở GD&ĐT có phát hiện hành vi tham nhũng tại một số cơ sở do mình quản lý. Những hành vi này đã được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm. |
Công tác phòng, chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.
Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, công tác phòng chống tham nhũng của ngành giáo dục trong 4 năm qua đã được thực hiện một cách nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện và đã thu được một số kết quả tích cực trên cả hai phương diện phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được tổ chức triển khai toàn diện ở tất cả các cơ sở giáo dục.
Khẳng định thêm cho điều này, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Các sai phạm xảy ra trong lĩnh vực giáo dục là cá biệt.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quang Quý và Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng đều thừa nhận, một số hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục tuy không phổ biến, thiệt hại về kinh tế không nhiều, song đã gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt, phần nào làm giảm uy tín của ngành cũng như uy tín và danh dự của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục, tạo nên những vật cản trong quá trình phát triển của giáo dục nước nhà như: mua bằng, bán điểm trong giáo dục ĐH, giáo dục nghề; mua bán chứng chỉ...
Một số những sai phạm cơ bản trong lĩnh vực giáo dục cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra như: sai phạm trong dạy thêm học thêm; trong công tác tuyển sinh và công tác đào tạo; trong lĩnh vực chuyển trường, chuyển lớp; trong lĩnh vực tài chính; trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; công tác xuất bản sách giáo khoa; công tác tổ chức cán bộ. |
Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: gdtd.vn |
Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 8 giải pháp cùng lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, trong năm 2010 và năm 2011, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung thực hiện công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình ở tất cả các khâu trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; rà soát những việc, những khâu dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Những năm tiếp theo sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng và hoàn thiện các quy định về trách nhiệm thực thi công vụ và chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ giáo viên trong ngành đồng thời tiếp tục kiến nghị Đảng, Nhà nước có cơ chế và chính sách ưu tiên phát triển giáo dục và từng bước nâng cao đời sống cán bộ giáo viên.
Bên cạnh việc trao đổi về những tiến triển trong công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói chung, tình hình tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục nói riêng tại Việt Nam, buổi đối thoại cũng được nghe ý kiến của các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong công tác phòng chống tham nhũng. Các giải pháp nhận được sự đồng thuận chung của nhiều đại biểu là cần phải nâng cao tính minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.
Hiếu Nguyễn