Các "ông lớn" châu Á sôi sục cuộc đua vũ trụ năm 2013

Các "ông lớn" châu Á sôi sục cuộc đua vũ trụ năm 2013
Robot thăm dò mặt trăng của Trung Quốc hoạt động trên bề mặt
Robot thăm dò mặt trăng của Trung Quốc hoạt động trên bề mặt "chị Hằng".
Năm 2013 đã chứng kiến các nền kinh tế hàng đầu châu Á đua nhau tìm đường gia nhập câu lạc bộ các "ông lớn" trong lĩnh vực vũ trụ. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều đua nhau chinh phục không gian bằng các hoạt động khác nhau.
Hàn Quốc đã đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo, Nhật Bản phóng tên lửa 3 tầng mới và Ấn Độ nhắm tới sao Hỏa khi phóng tàu vũ trụ đầu tiên tới "Hành tinh Đỏ".
Mặc dù vậy, Trung Quốc là nước đi đầu trong năm 2013. Bắc Kinh đã tiến hành một chuyến bay có người lái khác vào vũ trụ như một bước khởi đầu cho việc xây trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2020, công bố kế hoạch phóng một tàu thí nghiệm quỹ đạo vào khoảng năm 2015 và phóng một tàu vũ trụ tới mặt trăng trong cú hạ cánh mềm đầu tiên xuống "chị Hằng" trong 37 năm qua.
Các nhà phân tích cho rằng, hàng loạt những kỳ tích trên đã cho thấy năng lực và khả năng tài chính ngày càng mạnh của các nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Nhưng điều đó cũng gây lo ngại. Các hồi chuông đã bắt đầu gióng lên tại các cường quốc vũ trụ đã được thừa nhận nhưng đang thiếu tiền và một cuộc đua vũ trụ nguy hiểm tại châu Á có thể hiển hiện trước mặt.
Quân sự hóa vũ trụ là mối lo ngại lớn nhất, theo các nhà phân tích.
"Cả Nga và Mỹ điều lo ngại về sự thay đổi đang diễn ra trong cuộc chơi", ông Marco Aliberti, từ Viện chính sách vũ trụ châu Âu (ESPI) tại Vienna, Áo cho biết.
"Đặc biệt, họ lo ngại bởi sự mạnh lên của Trung Quốc với tư cách là cường quốc vũ trụ và các hệ quả của sự mạnh lên này đối với vị thế của họ và an ninh toàn cầu", ông Aliberti nói thêm.
Nga, từng giúp Trung Quốc trong giai đoạn đầu của chương trình vũ trụ, giờ đây bắt đầu coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng.
"Còn đối với Mỹ, lịch sử huy hoàng của họ và vị thế hiện thời trong vụ trũ khiến Mỹ đặc biệt nhạy cảm đối với bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào... Trung Quốc muốn thay thế Liên Xô trong các tính toán an ninh của Mỹ".
Nga nguy cơ "ra rìa" trong cuộc đua vũ trụ Trung - Mỹ
Nhà phân tích Nga Vadim Lukashevich cho hay Nga, sau khi giúp Trung Quốc trong việc phát triển vũ trụ hàng chục năm trước, đã đánh giá thấp chương trình của Trung Quốc. Các chuyên gia Nga đùa rằng các thành tích của Trung Quốc gần như sao chép y nguyên các thành công huy hoàng của Liên Xô nửa thế kỷ trước.
"Mỗi vụ phóng tên lửa mới, mỗi chuyến bay mới của Trung Quốc đều là một bước tiến lớn", ông Lukashevich.
"Nếu chúng ta không thay đổi thái độ xem nhẹ những gì Bắc Kinh đang làm, chỉ 5-10 năm nữa, đó sẽ là một cuộc đua tay đôi trong vũ trụ giữa Mỹ và Trung Quốc, và Nga chẳng ở đâu cả".
Chuyên gia Mỹ John Logsdon - Giáo sư danh dự tại Viện Chính sách vũ trụ thuộc Đại học George Washington - cho hay Mỹ lo lắng về những điều phía sau các hoạt động dân sự của Trung Quốc trong vũ trụ.
Vào năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm một vũ khí chống vệ tinh, phá hủy một vệ tinh cũ trong quỹ đạo bằng một tên lửa đánh chặn, gây ra những chỉ trích về rác thải vũ trụ nguy hiểm.
Theo các trang web chuyên ngành, Trung Quốc hồi tháng Năm năm nay cũng thử nghiệm một phần của tên lửa đạn đạo chống vệ tinh mới.
"Mỹ rất lo ngại về các khả năng vũ trụ quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, vì chúng có thể đe dọa khả năng của Mỹ nhằm vận hành các hệ thống vũ trụ an ninh quốc gia mà không bị nguy cơ can thiệp. - Ông Logsdon nói - Tôi cho rằng Nga và châu Âu cũng có lo ngại tương tự". 
Ấn Độ phóng tàu thăm dò sao Hỏa ngày 5/11.
Ấn Độ phóng tàu thăm dò sao Hỏa ngày 5/11.
Nhưng đó không phải là những quốc gia duy nhất lo ngại về Trung Quốc.
"Tôi cho rằng Trung Quốc đã gây ra một cuộc đua vũ trụ lớn tại châu Á" - Morris Jones, nhà phân tích vũ trụ độc lập tại Úc, nói.
"Ấn Độ cũng đang theo dõi những gì Trung Quốc làm một cách cẩn thận. Một sự thật là thậm chí người Hàn Quốc cũng đã đẩy nhanh các kế hoạch vũ trụ của mình" - Jones nói thêm.
Rajeswari Pillai Rajagopalan, tại Tổ chức nghiên cứu người quan sát (ORF) của Ấn Độ, cho hay Ấn Độ đã và đang phải đối phó với sự phô trương các vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc.
"Mặc dù Ấn Độ khẳng định chính sách phản đối vũ khí hóa vũ trụ, nước này đã phải tính tới các khả năng vũ trụ quân sự của người láng giềng. Do đó, Ấn Độ đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên cho hải quân Ấn Độ hồi tháng 8 năm nay" - Bà Rajagopalan nói.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Á còn vài năm nữa, có thể là cả chục năm, mới có thể trở thành những nước thống trị vũ trụ.
Một số chuyên gia cũng nhìn thấy mong muốn tránh một cuộc đua vũ trụ tốn kém và nguy hiểm, khi Nga và Trung Quốc vào năm 2008 đã cùng đề xuất một hiệp ước cấm vũ khí hóa vũ trụ tại Hội nghị giải trừ vũ khí của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, chi phí cực cao của việc hoạt động trong vũ trụ bản thân nó cũng là một lời mời để các quốc gia hợp tác cùng nhau, đặc biệt cho các dự án lớn như trạm vũ trụ, trạm trên mặt trăng hay chuyến đi tới sao Hỏa.
"Hợp tác vũ trụ có thể là cầu nối giữa các nước, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tạo ra các cách thức để xây dựng lòng tin. Vũ trụ cũng là một công cụ chính sách ngoại giao quan trọng, có thể được các quốc gia châu Á và phương Tây cùng dử dụng để giải quyết các vấn đề thay đổi khí hậu và ảnh hưởng môi trường, cũng như các lo ngại liên quan tới an ninh", ông Aliberti nói.
Những sự kiện vũ trụ nổi bật của châu Á năm 2013:
30/1: Hàn Quốc tham gia câu lạc bộ vũ trụ, đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo trên một tên lửa 140 tấn, KSLV-1.
26/6: Tàu vũ trụ Thần Châu-10 của Trung Quốc, chở 3 phi hành gia, trở về trái đất sau chuyến đi kéo dài 15 này. Tàu đã nối ghép với module Thiên Long-1 để tiến hanfhc ác cuộc thử nghiệm nhằm mở đường cho một trạm vũ trụ lâu dài nặng 60 tấn vào năm 2020. Trung Quốc cũng công bố kế hoạch phóng trạm vũ trụ Thiên Long-2 vào khoảng năm 2015.
3/8: Nhật Bản phóng tên lửa H-2B chở một robot tới Trạm vũ trụ ISS.
14/9: Nhật Bản phóng tên lửa nhiên liệu rắn 3 tầng Epsilon, mang theo một kính thiên văn của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) - thiết bị thiên văn viễn vọng đầu tiên cho phép quan sát từ xa các hành tinh bao gồm sao Kim, sao Hỏa và sao Mộc và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
23/10: JAXA đã thử nghiệm một loạt súng thần công được thiết kế để khám phá về kết cấu của các tiểu hành tinh.
5/11: Ấn Độ phóng tàu thăm dò đầu tiên của nước này tới sao Hỏa.
2/12: Trung Quốc phóng robot thăm dò mặt trăng mang tên Thỏ Ngọc.
Theo An Bình
Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ