Cả một đội ngũ các bác sĩ tâm lý tình nguyện đã được triển khai tới các tòa nhà bị sụp tại thành phố Mexico, nơi gia đình các nạn nhân đau khổ vẫn đang bám víu vào tia hi vọng đang dần mất rằng, người thân mình vẫn còn sống dưới đống đổ nát.
Nhà tâm lý học Penelope Exzacarias, hiện đang trực tại một tòa nhà văn phòng bị sụp đổ tại khu phố Roma trao đổi: “Gia đình các nạn nhân vẫn còn hy vọng, song các bác sĩ tâm lý đều đã chuẩn bị tinh thần để tư vấn giúp đỡ họ trong bối cảnh tang tóc”.
Trong chiếc áo cứu hộ màu đỏ với hàng chữ “Bác sĩ tâm lý”, Exzacarias đôn đáo hỗ trợ từng gia đình nạn nhân, phần lớn là qua việc lắng nghe họ. Cô trao đổi: “Với từng phút trôi qua, ngọn lửa hi vọng càng ngày càng tan biến trong họ. Đây là 1 giây phút đau đớn khôn cùng”.
Các bác sĩ tâm lý cũng sẵn sàng cho việc chữa trị cho cả hàng nghìn những nhân viên cứu hộ - nhiều người trong họ là tình nguyện đã đang vật lộn liên tục với đống đổ nát và hậu quả mà nó để lại với những người sống sót.
Bà Lorena Villalpando, bác sĩ tâm lý khác tại hiện trường cho biết: “Cảm giác thật tuyệt vọng khi bạn làm việc không ngừng nghỉ hàng giờ đồng hồ để giải cứu song chỉ để thấy những nạn nhân không còn có thể cứu được nữa, kể cả khi bạn đã quen với việc đó trong cái nghề này”.
Sang chấn tại Mexico còn khủng khiếp hơn khi bi kịch thảm họa này xảy ra đúng vào ngày kỉ niệm cơn động đất lớn nhất lịch sử, với hơn 10.000 người thiệt mạng vào năm 1985.
Alan Schejtman, 1 người Đức đến từ Hiệp hội Phân tâm học Mexico, hiện đang điều phối các đoàn bác sĩ tình nguyện cho biết, sang chấn tâm lý lâu dài vẫn có thể xảy ra kể cả đối với những người không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi cơn thảm họa tại thành phố với hơn 20 triệu dân này.
Một phòng khám chuyên khoa tại quận Condesa đã đăng ký với các bác sĩ tâm lý tình nguyện để cố vấn cho cư dân quận bị ảnh hưởng nặng nhất từ thảm họa này.
Theo Schejtman tiết lộ, các triệu chứng phổ biến nhất của PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) mà ta có thể thấy là liên tục hồi tưởng lại khoảnh khắc gây ra sang chấn trong tâm trí, mức độ lo lắng cao, khó ngủ, mất cảm giác thèm ăn. Ông cũng nhấn mạnh nguy cơ xảy ra ở trẻ nhỏ: “Trẻ em thực sự phải chịu đựng tệ hơn nhiều bởi chúng đồng hóa tất cả những thông tin này theo một cách hoàn toàn khác. Chúng không thực sự hiểu điều gì đang xảy ra... và cái chết là thứ mà chúng còn khó hiểu hơn”.
Để xử lí vấn đề này, các nhà trị liệu đã ăn mặc như những chú hề trên các con phố của Mexico nhằm vừa giúp trẻ giải trí vừa thông báo với cha mẹ chúng về tầm quan trọng của việc đối phó với các sang chấn có thể xảy ra.