“Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ vẫn chưa muốn mở xưởng sản xuất tại Ukraine mặc dù Lầu Năm Góc đã thuyết phục họ làm như vậy”, hãng tin quân sự Defense One trích dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Chính phủ Ukraine đã chào hàng việc các công ty nước ngoài tăng cường sản xuất vũ khí trong nước như một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp viện trợ quân sự dài hạn của các nhà tài trợ phương Tây.
Cho đến nay, Tập đoàn sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã lên tiếng về những kế hoạch đầy tham vọng nhất để hoạt động trên đất Ukraine, hứa sẽ sản xuất không chỉ đạn dược mà còn cả xe bọc thép và xe tăng tại quốc gia này.
Tuy nhiên, những công ty lớn khác, đặc biệt là những công ty từ Mỹ, đã thận trọng khi đưa ra những cam kết như vậy.
Tập đoàn vũ khí Northrop Grumman của Mỹ là một ngoại lệ, đã công bố vào tháng trước rằng, họ đã hoàn tất một thỏa thuận sản xuất đạn cỡ trung tại Ukraine.
Công ty sẽ cung cấp thiết bị và đào tạo, nhưng đã từ chối đưa nhân viên của mình ra thực địa.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ với Defense One bên lề triển lãm hàng không Farnborough ở Anh rằng, việc đầu tư vào một cơ sở sản xuất đặt tại Ukraine có thể bị Nga phá hủy, và có thể không có nhu cầu bền vững trong tương lai. Việc đầu tư "phải có ý nghĩa từ một trường hợp kinh doanh".
Ngành công nghiệp Mỹ "thực sự háo hức" để kiếm lợi nhuận, nhưng cần chính phủ bảo vệ các khoản đầu tư của họ trước rủi ro, theo nguồn tin.
"Những gì họ đang cố gắng làm phải là một trường hợp kinh doanh, vì vậy hãy xem xét việc bắt đầu bằng việc bảo trì, sửa chữa và đại tu, sản xuất phụ tùng thay thế, tức là bắt đầu theo triết lý bò-đi-chạy trước khi thực sự tiến tới những công đoạn tiên tiến hơn", vị quan chức này cho biết.
Ngoài những rủi ro liên quan đến chiến tranh, các công ty phương Tây cũng lo ngại về tham nhũng, nguồn tin thừa nhận.
Nhà ngoại giao Mỹ lưu ý rằng, Ukraine đang đạt được tiến bộ về việc khắc phục nạn tham nhũng, nhưng vẫn còn lâu mới đạt được mục tiêu cần thiết để xoa dịu những lo ngại.
Tham nhũng đã trở thành vấn nạn cố hữu ở Ukraine kể từ khi đất nước này giành được độc lập vào đầu những năm 1990.
Nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky được cho là đã phàn nàn về sự chú ý mà những người ủng hộ phương Tây dành cho vấn đề này, nhấn mạnh rằng, tham nhũng phần lớn không liên quan vào thời điểm Ukraine đang chiến đấu với Nga.
Nga đã mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Mỹ kích động chống lại họ, được tiến hành vì lợi ích địa chính trị của Washington.
Các quan chức Nga cho biết, nền kinh tế Mỹ đã được hưởng lợi từ cuộc xung đột này bằng cách thúc đẩy nhu cầu về vũ khí và làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Tây Âu.
Các công ty châu Âu đã mất quyền tiếp cận nguồn năng lượng và nguyên liệu thô giá rẻ của Nga do sự cố thương mại với quốc gia này, với một số công ty đã chuyển nhà máy sang Mỹ.