(GD&TĐ) - Sáng nay 21/6, Đoàn Kiểm tra do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý làm Trưởng Đoàn đã về kiểm tra công tác tổ chức thi của Đại học Thái Nguyên. Cùng đi với Đoàn kiểm tra có đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT.
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 này, Đại học Thái Nguyên tổ chức tuyển sinh ở 93 ngành, với 133 chương trình đào tạo đại học. Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐHTN là 51.726, giảm 6.226 thí sinh so với năm 2011. Trong đó, khối A có 18.516 hồ sơ; khối A1 có 2.013 hồ sơ; khối B có 20.888 hồ sơ; khối C có 4.133 hồ sơ; khối D có 4.705 hồ sơ; khối M có 942 hồ sơ; khối T có 430 hồ sơ; khối H có 43 hồ sơ và khối N có 55 hồ sơ. Có 2.543 thí sinh đăng ký dự thi nhờ vào các trường Đại học, Cao đẳng không tổ chức thi tuyển sinh, giảm 1.718. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi tại Hội đồng thi ĐHTN là 54.268. Số thí sinh đăng ký dự thi sẽ được bố trí thi ở 1.411 phòng thi (giảm 181 phòng). Trong đó, đợt 1 (Khối A, A1) tổng số có 21.409 thí sinh (giảm 5.548) được bố trí thi ở 650 phòng thi tại 12 điểm thi (giảm 2 điểm). Đợt 2 (các khối B,C,D,M,T,N,H) tổng số có 32.859 thí sinh (giảm 2.396), được bố trí thi ở 851 phòng thi, tại 22 điểm thi (giảm 1).
Thứ trưởng Trần Quang Quý làm việc với Đại học Thái Nguyên về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 |
Hiện nay, Hội đồng tuyển sinh ĐHTN đã nhận và xử lý xong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh; đã sắp xếp xong phòng thi, địa điểm thi; đã in và gửi giấy báo dự thi cho thí sinh trước thời gian quy định (1/6); đã in thẻ dự thi, đang tổ chức dán ảnh thẻ dự thi và album ảnh; đã xây dựng các văn bản quy định về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển gửi cho các tỉnh và các Sở GD&ĐT, đồng thời đưa lên Website của Đại học. Để phục vụ tốt hơn cho thí sinh và người nhà thí sinh trong việc tìm địa điểm thi Đại học Thái Nguyên đã xây dựng và chính thức triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lí (GIS) trong việc tra cứu, tìm đường đi đến 22 địa điểm thi. Thí sinh và người nhà thí sinh có thể dễ dàng tìm được đường đi đến địa điểm thi của thí sinh.
Ban Quản lý Khu Nội trú Đại học Thái Nguyên đã dành gần 500 phòng ở khép kín, với gần 4000 chỗ ở cho thí sinh. Ban Quản lý Khu nội trú đã huy động hơn 300 ngày công lao động làm vệ sinh môi trường; phối hợp với Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên đầu tư thêm 1 trạm bơm tăng áp bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho các nhà nội trú; các thiết bị vệ sinh, đèn điện, quạt trong các phòng ở bị hư hỏng cũng đã được thay mới. Giá thuê phòng khoảng 20.000 đồng/người/ngày. Thí sinh là con thương binh liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, con hộ nghèo được giảm từ 20 đến 30% tiền phòng.
Nhìn chung, công tác phục vụ, đảm bảo an ninh, trật tự đã được ĐHTN tích cực triển khai, ĐHTN đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan hữu quan như: Quân khu I, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thương mại và Du lịch, Sở Y tế, Điện lực Thái Nguyên; Công ty cấp thoát nước, Sở Công an, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị phối hợp, giúp đỡ. Đồng thời, đã làm việc với Sở Công an, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên về xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho kỳ thi và cử cán bộ tham gia làm công tác bảo vệ địa điểm in, sao đề; đưa đề và bảo vệ tại các điểm thi.
Trước đó, ngày 20/6 Đoàn cũng đã về làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội. GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo những điểm trọng tâm của công tác tổ chức thi là ĐHQG Hà Nội thành lập Hội đồng tuyển sinh chung của toàn đại học và 3 hội đồng coi thi, chấm thi theo từng khối thi. Nhiều năm nay bên cạnh việc sử dụng phần mềm tuyển sinh dùng chung của Bộ GD&ĐT thì ĐHQG Hà Nội đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin, bổ sung phần mềm để sàng lọc hồ sơ ảo, tránh được nhiều lãng phí. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo hướng đánh giá đúng năng lực của thí sinh và sẽ sớm trình Bộ GD&ĐT cho ý kiến. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 này, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ĐHQG Hà Nội đã chủ động không thuê các điểm thi quá xa, tránh tuyệt đối những điểm ngập lụt, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an và giao thông đảm bảo an ninh, an toàn cho thí sinh. Công tác in sao đề thi cũng được chuẩn bị kỹ, đã mời PA83 Hà Nội vào cùng phối hợp để bảo vệ an ninh cho kỳ thi cũng như công tác in sao đề.
Thứ trưởng Trần Quang Quý: ĐHQG Hà Nội cần làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ |
Kiểm tra trực tiếp tại Hội đồng coi thi Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và nơi in sao đề thi. PGS.TS Bùi Duy Cam – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các thành viên Hội đồng coi thi đã báo cáo chung về công tác chuẩn bị, tổ chức thi, in sao đề một cách bài bản và kỹ lưỡng. Từ việc chuẩn bị hạ tầng cơ sở đến phối hợp với các lực lượng an ninh cũng như huy động lực lượng sinh viên tình nguyện. Tất cả các việc đã được chuẩn bị chu đáo mà nói như PGS. TS Bùi Duy Cam: Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường, bất kỳ sự cố nào xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của trường mà còn ảnh hưởng đền cả kỳ thi chung của quốc gia. Chính vì thế Hội đồng coi thi quán triệt tuyệt đối đến từng giám thị, cán bộ coi thi và nhân viên phục vụ tuyệt đối không được để sai sót.
Sau khi làm việc và kiểm tra tại các Hội đồng coi thi, Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức cho kỳ thi, Thứ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc bảo đảm an toàn, nghiêm túc của kỳ thì, đồng thời lưu ý các Hội đồng coi thi cần đặc biệt chú trọng việc in sao đề thi cho an toàn, không để xảy ra sai sót, có phương án dự phòng bão lũ, ngập lụt, mất điện, các điểm thi phải đảm bảo đủ ánh sáng. Và cần phối hợp với các lực lượng công an, an ninh, chính quyền địa phương và tình nguyện viên tổ chức an toàn cho kỳ thi.
Yên Thúy