Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đặt trọn niềm tin vào chúng. Và dưới đây là những khoảnh khắc mà các giác quan cố tình “chơi khăm” bộ não.
1. Hiện tượng tấm gương cảm xúc
Khi nhìn vào một chữ cái, phần lớn chúng ta đều chỉ cảm nhận đó là một kí tự mà thôi. Nhưng thực tế, một số ít người khi nhìn vào các chữ cái ấy lại tưởng tượng ra màu sắc hay hương vị. Chẳng hạn với họ, chữ A sẽ có vị ngọt, chữ B có vị đắng hoặc màu xanh…
Đây là biểu hiện của người mang chứng “lẫn lộn” giác quan. Theo đó, những người này thường cảm nhận một vật bằng các giác quan trái với thông thường, điển hình là việc dùng thị giác nhìn song kết quả thu được lại là hương vị hay âm thanh.
Một dạng thức kỳ quái hơn của tình trạng trên được gọi là tấm gương cảm xúc. Con người gặp hiện tượng này khi các tế bào thần kinh hoạt động quá mức, khiến chúng ta đôi khi trải nghiệm cảm xúc của người khác. Chẳng hạn, khi nhìn thấy một người đứt tay, ta cũng thấy tay mình đau dù rằng đó không phải thực tế.
Hiện tượng tấm gương cảm xúc xuất hiện để giúp cho một người cảm thông hơn với những người khác. Một trong những người mắc chứng gương cảm ứng mô tả nó rằng: "Tôi chưa bao giờ có thể hiểu mọi người có thể thưởng thức những bộ phim kinh dị như thế nào, hoặc cảm nhận được sự đau đớn, nỗi bất hạnh của người khác khi tôi không thể nhìn thấy và cũng chẳng cảm nhận được nó".
2. Ảo ảnh bóng ma
Nhiều người trên thế giới kể lại rằng, họ từng nhìn thấy bóng người lướt qua tầm mắt rồi lập tức biến mất. Họ tin đó là ma quỷ hay linh hồn người quá cố. Tuy nhiên các nhà khoa học Thụy Sĩ đã tìm ra bằng chứng để lý giải hiện tượng trên.
Nhóm nghiên cứu tiến hành kích thích điện não vùng đỉnh thái dương trái của một bệnh nhân nữ mắc bệnh động kinh. Hiện tượng sau đó thật kỳ lạ, bệnh nhân nói có bóng người ngồi phía sau bắt chước từng cử động của cô.
Hiện tượng trên xảy ra do các nhà khoa học kích thích điện vùng não chịu trách nhiệm giúp con người xác định ý thức về bản thân, giúp nhận ra sự khác biệt giữa họ và những người khác.
Do đó dẫn đến việc tưởng tượng ra bóng người bắt chước trong đầu. Đây chính là chìa khóa giải thích lý do nhiều người khỏe mạnh và tâm thần phân liệt bắt gặp bóng ma và các sinh vật khác như người ngoài hành tinh khi bộ não hoạt động bất thường.
3. Hiện tượng phóng đại sự đau đớn
Bạn có để ý rằng khi bạn cố xoa dịu vùng tổn thương như xoa xoa đầu khi vô tình va vào đâu đó hay nắm chặt bàn tay, bạn sẽ cảm thấy cơn đau giảm đáng kể.
Để nghiên cứu lý do nào khiến ta lại cảm thấy như vậy, các nhà nghiên cứu Anh đã tiến hành thí nghiệm bằng cách sử dụng lò nướng ảo giác nhiệt.
Theo đó, những người tham gia đưa ngón trỏ và ngón áp út của mỗi bàn tay vào nước hơi nóng, trong khi đặt ngón giữa vào nước lạnh. Bằng cách lừa bộ não với các tín hiệu nhiệt độ khác nhau, người tham gia có ảo tưởng rằng, những ngón tay ngâm nước lạnh lại thực sự nóng.
Nhà khoa học Marjolein Kammers của Đại học London cho biết: “Phản ứng nhiệt ảnh hưởng đến cách não thể hiện trạng thái hiện tại của cơ thể và phần nào làm ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm thấy đau". Điều này sẽ mở ra nhiều phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân.
Trong một thí nghiệm trước đó của Đại học Oxford, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, tình trạng đau và sưng ở bàn tay của một bệnh nhân có thể biến đổi bằng cách khiến vết thương thu nhỏ hay phóng đại lên.
Cụ thể, khi nhìn vết thương qua ống nhòm ngược, hình ảnh vết thương sẽ bị thu nhỏ lại đáng kể và não sẽ hình dung rằng, nó không đáng ngại. Kết quả là bạn sẽ bớt đau hơn rất nhiều. Ngược lại, khi nhìn vết thương qua ống nhòm thường, vết thương trở nên to hơn và bạn cảm thấy đau hơn.
4. Luôn cảm thấy điện thoại rung
Năm 2010, nhà nghiên cứu Michael Rothberg tại Trung tâm Y tế Baystate ở Springfield (Mỹ) đã tiến hành cuộc khảo sát và nhận thấy, 70% số người được hỏi từng trải qua cảm giác bị điện thoại đánh lừa - đó là tưởng điện thoại rung nhưng sự thật không phải rung.
Theo chuyên gia, ảo giác đó tồn tại trong nhận thức của con người, được khơi dậy do một tổn thương nhỏ ở não bộ khi phải điều tiết và phân loại nhiều sự kiện xảy ra bên ngoài.
Do não bộ thu nhận thông tin từ các cảm biến trên cơ thể bạn như mắt, mũi, da… nên đôi khi bị quá tải và chỉ đạo không chuẩn. Có thể do quá tải thông tin khi mong ngóng cuộc gọi, tin nhắn mà não tạo ảo giác, khiến bạn thấy như máy đang rung thật.
Điều này còn có thể xảy ra khi bạn "dính chặt" lấy chiếc điện thoại. Kể cả khi quần áo cọ xát vào nhau hay một tiếng động rung nào đó... cũng trở thành ảo giác điện thoại rung.