Trong đó đánh giá về tiếp cận tín dụng cho thấy, doanh nghiệp ở khu vực nông thôn có khả năng tiếp cận tín dụng tốt hơn ở thành thị.
Theo công bố của CIEM, trong năm 2015, có 25% số doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn chính thức và 15% gặp khó khăn trong việc vay vốn.
Các phân tích về khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trước đây ghi nhận tỷ lệ nợ của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp. Lý do chủ yếu được chỉ ra là các trở ngại về tính thanh khoản và những rào cản về tiếp cận tín dụng.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên tài sản thấp cũng tương đồng với kết quả về vốn đầu tư mới đối với phần lớn doanh nghiệp chủ yếu là từ nguồn lợi nhuận để lại.
So với năm 2013, tỷ lệ tiếp cận tín dụng trung bình đã giảm xuống 1,2 điểm phần trăm nhưng mức giảm này trong mẫu cân bằng chỉ là 0,2 điểm phần trăm. Số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn năm 2015 thấp hơn nhiều so với năm 2013.
Mô tả tiếp cận tín dụng đối với các nhóm doanh nghiệp khác nhau cho thấy, trong khi các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn có khả năng tiếp cận tín dụng cao hơn thì toàn bộ các nhóm quy mô đều có tỷ lệ tiếp cận tín dụng giảm so với năm 2013.
Các hộ kinh doanh có tỷ lệ tiếp cận tín dụng thấp chỉ bằng một nửa so với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh là nhóm duy nhất có tỷ lệ tiếp cận tín dụng không đổi.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra khi so sánh giữa nhóm nông thôn - thành thị và phía Nam - phía Bắc khi nhóm doanh nghiệp thuộc khu vực nông thôn và khu vực phía Nam có khả năng tiếp cận tín dụng cao hơn.
Cũng theo khảo sát, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn (54%) hoặc không muốn bị nợ (23%). Những doanh nghiệp này không thể coi là những doanh nghiệp gặp khó khăn về tín dụng.
Tuy nhiên trong số các doanh nghiệp thuộc nhóm không nộp hồ sơ vay vốn có khoảng một nửa có thể đưa vào nhóm gặp trở ngại về tín dụng. Theo CIEM, điều này có thể do tỷ lệ lãi suất cao hoặc quy trình nộp hồ sơ khó khăn (mỗi nguyên nhân chiếm khoảng 7%).
Từ các kết quả nghiên cứu, CIEM chỉ ra rằng có 34% doanh nghiệp trong diện khảo sát có khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Cộng thêm với các doanh nghiệp gặp khó khăn thì tỷ lệ gặp khó khăn hoặc hạn chế trong tiếp cận tín dụng là 38%.
Con số này đã giảm nhẹ so với điều tra năm 2013 khi mà tỷ lệ này là 43%. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại tương tự như kết quả trong vòng điều tra năm 2011 với tỷ lệ là 39%.
Đặc biệt, dữ liệu khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp thuộc khu vực thành thị có khả năng gặp khó khăn về tín dụng lớn hơn so với các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.
Các doanh nghiệp thuộc khu vực thành thị gặp trở ngại về tín dụng lớn hơn so với khu vực nông thôn ở bất kỳ hình thức pháp lý nào, điều này xảy ra là do nhu cầu vay vốn lớn hơn của các doanh nghiệp thuộc khu vực thành thị.
Trong một số nguyên nhân giải thích lý do không vay vốn, khó khăn do thủ tục hành chính với cán bộ ngân hàng là lớn nhất, chiếm tới 30% số doanh nghiệp có khó khăn trong tiếp cận các khoản vay.
Thiếu tài sản thế chấp vay vốn đã gây cản trở đối với 27% số doanh nghiệp. Cả hai khó khăn kể trên trong điều tra năm 2015 đều đã giảm xuống so với điều tra năm 2013.
Tuy nhiên, khó khăn hành chính và quy trình thủ tục vẫn còn đối với gần 20% các doanh nghiệp. Điều này gợi ý rằng, việc tiếp cận các khoản vay có thể được cải thiện với việc thiết kế lại thủ tục nộp hồ sơ vay và có hướng dẫn cụ thể hơn cho các DNNVV.
Nhìn chung theo đánh giá của CIEM, các doanh nghiệp thuộc khu vực thành thị có khả năng vay nguồn vốn chính thức thấp hơn từ 25% đến 43% so với các doanh nghiệp thuộc khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp thành thị lại có khả năng vay tín dụng phi chính thức cao hơn doanh nghiệp ở nông thôn.