Từ "dịch bệnh" (epidemic) có nguồn gốc từ tiếng Latin "epi demos", nghĩa là "phụ thuộc vào con người". Sự xuất hiện của một bệnh truyền nhiễm là chưa đủ để tạo nên một dịch bệnh.
Trong y tế công cộng, chúng ta nói về 3 nhân tố quan trọng trong "tam giác dịch tễ học" (epidemiologic triangle) gây ra một dịch bệnh: thứ nhất là mầm bệnh (thường là virus hoặc vi khuẩn), thứ hai là vật chủ (con người hoặc động vật) có khả năng bị lây nhiễm và thứ ba là môi trường khiến mầm bệnh và vật chủ tiếp xúc với nhau để thúc đẩy sự lây nhiễm.
Hiểu được tam giác dịch tễ học là vô cùng quan trọng để hiểu về việc tại sau một dịch bệnh xảy ra và cách thức để thay đổi các "góc" trong tam giác này nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Sự lây nhiễm dịch bệnh diễn ra như thế nào?
Sự lây nhiễm có thể diễn ra theo 2 cách: trực tiếp và gián tiếp.
Lây nhiễm trực tiếp
Khi nói đến sự lây nhiễm trực tiếp, có 3 cách thức truyền bệnh cơ bản.
Cách thức trực tiếp đầu tiên là qua giọt bắn với các kích cỡ khác nhau theo đường hô hấp bắn ra ngoài khi ai đó nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc hát hò gần bạn. Đây là cách thức lây nhiễm dễ dàng nhất.
Sự lây nhiễm kiểu này đã lợi dụng bản chất xã hội của con người và việc dân số ngày càng tập trung đông để khiến những dịch bệnh như cúm hoặc Covid-19 lây lan dễ dàng hơn.
Sởi được biết tới là dịch bệnh dễ lây lan nhất cho tới nay và dịch bệnh này vẫn tiếp tục lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm mặc dù chúng ta đã có vaccine đặc trị trong 50 năm qua.
Cách thức lây nhiễm trực tiếp thứ hai là qua máu hoặc dịch cơ thể. Đây là cách thức mà virus Ebola, bệnh HIV hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác như lậu và giang mai lây lan.
Sự lây nhiễm ở các căn bệnh này phụ thuộc vào sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân, song không dễ truyền bệnh như các dịch bệnh lây lan qua đường hô hấp.
Dù vậy, lý do HIV dễ dàng lây lan là do những người mắc bệnh cảm thấy bình thường trong thời gian mang mầm bệnh và do đó có thể đã lây lan cho người khác mà không hề hay biết.
Trái lại, dịch Ebola sẽ không lây nhiễm cho đến khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng và khi việc này xảy ra, tình trạng bệnh sẽ vô cùng nghiêm trọng. Nếu ai đó ốm tới mức thậm chí không thể rời khỏi giường thì nhìn chung họ ít có khả năng lây bệnh rộng hơn.
Một ngoại lệ đáng lưu ý là những sự kiện siêu lây lan, khi mà một lượng lớn người có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với thi thể bị bệnh trong các đám tang.
Cách thức lây nhiễm trực tiếp thứ 3 là từ mẹ sang con, hay còn gọi là sự lây nhiễm qua nhau thai. Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây lan theo cách thức này như HIV, rubella, ký sinh trùng toxoplasmosis và virus cytomegalo. Đây là một lý do mà phụ nữ mang thai cần được bảo vệ trước các loại bệnh tật khác nhau để hạn chế tối đa tác động đến thai nhi.
Lây nhiễm gián tiếp
Sự lây nhiễm gián tiếp của các loại dịch bệnh cũng diễn ra theo 3 cách khác nhau. Cách thức gián tiếp đầu tiên là qua côn trùng. "Ứng viên" quen thuộc nhất cho cách thức này là muỗi.
Bên cạnh sốt rét, con người có thể mắc nhiều căn bệnh khác khi bị muỗi cắn, chẳng hạn như sốt xuất huyết dengue, sốt vàng và sốt tây sông Nile.
Một cách thức lây nhiễm gián tiếp khác là qua đồ vật truyền bệnh. Những đồ vật này sau khi dính virus gây bệnh sẽ khiến dịch bệnh lây lan sang các vật chủ mới. Đây cũng là cách thức mà cúm và dịch Covid-19 đã lây lan.
Nếu ai đó hắt hơi vào tay rồi chạm vào các đồ vật như tay nắm cửa thì người tiếp theo tiếp xúc với những đồ vật truyền bệnh này có thể vô tình để virus xâm nhập vào cơ thể bằng cách chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
Cơ chế lây lan gián tiếp phổ biến thứ 3 là qua đường phân - miệng. Khi ai đó đi vệ sinh, họ có thể thải các chất thải mang mầm bệnh lây nhiễm ra môi trường. Bất kỳ ai ăn hoặc uống phải các thực phẩm bị nhiễm bẩn trong môi trường này đều bị mắc bệnh. Đó là lý tại sao mọi người thường bị tiêu chảy khi họ đến những nơi không đảm bảo vệ sinh.
Trong những khu vực này, sông suối, ao hồ địa phương có thể là nơi tắm giặt của nhiều người. Nếu không may mắn, chúng ta có thể bị viêm gan A hoặc tiêu chảy khi uống nước chưa được xử lý đảm bảo hoặc ăn phải đồ ăn "được rửa" ở nguồn nước này.
Một virus nữa cũng lây lan phổ biến qua con đường này là virus gây bệnh bại liệt (polio). Hệ thống vệ sinh hiện đại và việc khử trùng bằng Clo nước uống là những cách thức để ngăn chặn các loại dịch bệnh trên lây lan.
Ngăn chặn dịch bệnh như thế nào?
Sốt rét là một minh chứng hiệu quả cho việc vận dụng tam giác dịch tễ học. Biết được muỗi có khả năng gây bệnh, chúng ta có thể tác động vào môi trường bằng cách phun thuốc diệt muỗi hoặc loại bỏ những địa điểm mà chúng có thể sinh sôi để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Con người được coi là vật chủ cũng có thể chủ động tránh tiếp xúc với muỗi bằng cách mắc màn, bôi kem chống muỗi đốt hoặc mặc quần áo dài tay.
Đối với dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta biết rằng con người sẽ giảm được nguy cơ lây bệnh nếu có vaccine đặc hiệu hoặc mọi người đều đeo khẩu trang. Việc thay đổi môi trường nhằm tránh virus lây lan, chẳng hạn như giảm tụ tập đông người, dành thời gian bên ngoài thay vì những không gian kín, duy trì giãn cách vật lý... cũng đều là những cách thức đang được duy trì trong cuộc sống “bình thường mới” tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay.
Mỗi dịch bệnh đều có những điểm khác nhau. Không có một biện pháp đơn lẻ nào đủ hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh bởi hành vi của con người có tác động lớn đến sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiểu được tam giác dịch tễ học cơ bản đối với mỗi loại bệnh và các nhân tố tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan là cách đầu tiên để biết được cách thức ngăn chặn một dịch bệnh.