Các địa phương mạnh tay chấn chỉnh lạm thu

GD&TĐ - Đặc biệt lưu ý tính chất công khai, minh bạch đối với các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa giáo dục, đầu năm học mới, các Sở GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường không ép buộc thu gộp các khoản vào đầu năm học nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình học sinh.

Các địa phương mạnh tay chấn chỉnh lạm thu

Nam Định: Phải trả lại các khoản thu không đúng quy định

Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định - cho biết: Thời gian vừa qua, hầu hết các cơ sở giáo dục trong tỉnh Nam Định đã nghiêm túc thực hiện các khoản thu, chi theo hướng dẫn. Tuy vậy, vẫn còn một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng, cần chấn chỉnh.

Cụ thể, nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức huy động các khoản không trong quy định, có những khoản huy động không phù hợp với điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh, quá cao so với tiêu chuẩn chung về điều kiện của phòng học, do Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế ban hành như máy chiếu, điều hòa nhiệt độ,... gây khó khăn, bức xúc trong nhân dân và bất bình đẳng trong nhà trường.

"Trong tháng 9 này, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của tỉnh, Bộ GD&ĐT về việc thực hiện thu chi trong các cơ sở giáo dục. Nếu đơn vị nào thu không đúng quy định thì phải trả lại và thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý và pháp luật" - Giám đốc Cao Xuân Hùng.

Ngoài ra, việc tổ chức huy động đóng góp chưa đúng với quy định, chưa được sự đồng thuận rộng rãi của cha mẹ học sinh.

Trước thực tế này, theo ông Cao Xuân Hùng, Sở GD&ĐT Nam Định đã ban hành văn bản gửi các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, yêu cầu chấn chỉnh lạm thu và văn bản hướng dẫn tạm thời các khoản thu, chi đầu năm học 2015 - 2016.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn và kiểm tra các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trực thuộc phòng; các đơn vị trực thuộc Sở tự kiểm tra việc thu đầu năm của đơn vị mình. Đảm bảo các khoản thu thực hiện theo đúng quy định của các cấp có thẩm quyền, phù hợp với điều kiện kinh tế của cha mẹ học sinh.

Ngoài các khoản thu theo quy định, các nhà trường không được tự đặt ra bất kỳ khoản thu nào khác. Việc huy động và tiếp nhận các khoản hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, cha mẹ học sinh phải được thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thái Nguyên: Đặc biệt lưu ý các khoản thu tự nguyện

Ông Ngô Thượng Chính - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học mới, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã có hướng dẫn thực hiện các khoản thu theo qui định, thu khác và đóng góp tự nguyện trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các khoản thu tự nguyện, thu hộ, thu thỏa thuận.

Cụ thể, với bảo hiểm thân thể, đây là loại bảo hiểm tự nguyện, cha mẹ học sinh có quyền lựa chọn mua hay không mua. Vì vậy không được đưa khoản thu này thành khoản thu bắt buộc trong nhà trường.

"Các khoản thu hộ - chi hộ khác như : Đồng phục học sinh, phù hiệu học sinh tuỳ theo từng trường cũng là khoản không bắt buộc. Căn cứ vào tình hình thực tế và có sự thống nhất trong Ban giám hiệu, phải được thông qua Hội đồng trường, các trường xây dựng dự toán chi làm căn cứ tính toán mức thu" - Sở GD&ĐT Thái Nguyên
Nhà trường tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức bảo hiểm thực hiện công tác bảo hiểm cho học sinh, chú trọng công tác tuyên tuyền, phổ biến để cha mẹ học sinh tự nguyện tham gia.

Về tiền học buổi thứ hai, đây là khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.

Sở GD&ĐT cho biết: Để có đủ giáo viên dạy buổi hai, các trường căn cứ vào số lượng, chủng loại giáo viên hiện có và qui mô, nhiệm vụ được giao, có kế hoạch làm việc cụ thể với phòng GD&ĐT để xin được bổ sung cho đủ giáo viên (nếu thiếu).

Trường hợp không được bổ sung đủ giáo viên dạy buổi hai, nhà trường phải tính toán thật cụ thể, sử dụng tối đa chế độ lao động theo qui định của số giáo viên hiện có. Nếu vẫn còn thiếu số giáo viên dạy buổi hai thì phải lập dự toán chi tiết để xây dựng mức thu và thông báo công khai cho Ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp để cha mẹ học sinh được rõ và thực hiện.

Đối với những trường đã được bố trí đủ giáo viên dạy buổi hai thì không được thu tiền của học sinh.

Cũng theo Sở GD&ĐT Thái Nguyên, hiện nay, theo qui định các trường không được thu tiền xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của nhiều trường học thường xuyên bị hư hỏng xuống cấp. Bàn ghế, thiết bị dạy học không được thường xuyên sửa chữa, mua sắm bổ sung. Mặt khác, ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, tỷ lệ chi phục vụ các hoạt động chuyên môn dạy và học cho các nhà trường chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu.

Do vậy, việc tu bổ sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất là rất khó khăn. Có những việc nhà trường không thể có đủ nguồn kinh phí nhà nước để khắc phục được. Để đảm bảo cho các hoạt động được bình thường, nhà trường phải huy động sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức viện trợ, tài trợ và cha mẹ học sinh.

Về khoản này, các trường khi vận động, huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp này phải thực hiện nghiêm túc qui định:

Thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường;

Lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức thu cụ thể) để thực hiện. Trong đó, kế hoạch công việc phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình, ...

Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí.

Báo cáo, xin ý kiến phê duyệt của UBND cấp huyện và Sở GD&ĐT đối với các trường THPT và các đơn vị dự toán trực thuộc Sở. Xin ý kiến phê duyệt của UBND cấp xã, phường và Phòng GD&ĐT đối với với các trường mầm non, tiểu học, THCS.

Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí...

Đắk Nông: Nêu rõ quy trình huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục

"Khi thu bất kỳ khoản nào từ học sinh hoặc cha mẹ học sinh, nhà trường phải cung cấp biên lại thu tiền hoặc phiếu thu tiền cho học sinh, cha mẹ học sinh tùy theo tính chất của khoản thu" - Sở GD&ĐT Đắk Nông.
Sở GD&ĐT Đắk Nông yêu cầu các sơ sở giáo dục thực hiện huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục theo quy trình 3 bước. Theo đó, bước đầu tiên là thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai công tác huy động tài trợ trong Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Bước 2: Lập kế hoạch huy động tài trợ và dự trù kinh phí chi tiết, bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể để thực hiện.

Kế hoạch huy động tài trợ phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp và cách thức tổ chức thực hiện. Đồng thời, niêm yết công khai ít nhất một tuần tại bản tin nhà trường để tiếp thu các ý kiến đóng góp. Sau đó, hoàn chỉnh kế hoạch huy động tài trợ và dự trù kinh phí.

Bước 3: Sau khi hoàn thành các công việc thuộc nguồn kinh phí huy động tài trợ, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí. Báo cáo sơ quan cấp trên quản lý trực tiếp kết quả hoạt động về công tác xã hội hóa sau khi kết thúc năm học.

Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Nhà trường không được coi bất kỳ hình thức đóng góp nào như là một điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được quy định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp.

Bên đóng góp cũng không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường. Các trường khi tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích các nguồn thu đã huy động.

Đối với các khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như quần áo đồng phục, quần áo thể dục, thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường,... Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cần bàn bạc thống nhất với phụ huynh học sinh, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện phù hợp.

Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay trách nhiệm của cha mẹ học sinh trong công tác nuôi dạy học sinh như tiền ăn, tiền bán trú, tiền nước uống... yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi, đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.

Riêng với các khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT lưu ý, đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân. Đặc biệt, không sử dụng khoản này để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên...

Đặc biệt, để giảm bớt áp lực cho gia đình học sinh khi phải đóng góp nhiều khoản vào đầu năm, Sở GD&ĐT đề nghị các trường tuyệt đối không được ép buộc gia đình học sinh phải đóng đầy đủ các khoản vào đầu năm học mà xem xét và tổ chức thu làm nhiều lần trong năm học, tùy theo tính cấp thiết của các khoản thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...