Trong số thí sinh dự thi, có 75% thí sinh có nguyện vọng chọn xét tuyển đại học, cao đẳng. Số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội chiếm 42%, khoa học tự nhiên chiếm 38%, thi cả hai bài thi chiếm hơn 8%. Đến thời điểm này, các hội đồng thi trên cả nước đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng tâm thế tốt nhất cho kỳ thi.
Các hội đồng thi đã sẵn sàng
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT): Bộ GD&ĐT đã thành lập thành lập 5 đoàn công tác đến một số địa phương đại diện cho các vùng, miền trong nước để kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017. Qua công tác kiểm tra cho thấy: Nhìn chung, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2017 được thực hiện tích cực, chu đáo tại các địa phương: Tất cả các tỉnh/thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Thành phần của Ban chỉ đạo có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ đến phối hợp, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Ở các địa phương, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chủ động triển khai công tác tổ chức thi THPT quốc gia của địa phương mình thông qua việc: Ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch công tác; phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức triển khai và kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thi trên thực tế ở các địa phương của tỉnh; Dự báo các tình huống phức tạp có thể phát sinh và lên phương án dự phòng. Các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi đều đã được tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của quy chế. Đặc biệt, ngay cả ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các tỉnh biên giới, hải đảo… cũng đã dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia kỳ thi này.
PGS Mai Văn Trinh cũng cho biết, các tổ chức xã hội, đoàn thể đều sẵn sàng hỗ trợ kỳ thi thông qua các chương trình “tiếp sức mùa thi” để hỗ trợ thí sinh và người nhà thông qua các chương trình từ thiện như cấp bữa ăn, nước uống, nơi ở miễn phí cho thí sinh. Một số địa phương cũng đã huy động thêm được nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho cán bộ các ĐH, CĐ về coi thi và cho các thí sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; Nhiều tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp huyện như “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để triển khai tốt công tác chuẩn bị cũng như tổ chức thi trên địa bàn; Nhiều trường, địa phương đã bố trí thêm nguồn kinh phí từ nguồn tự chủ của mình để hỗ trợ các bộ, giảng viên về địa phương làm thi. Đến nay, các ĐH, CĐ sư phạm đều đã sẵn sàng về các địa phương với tâm thế thoải mái, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm đối với kỳ thi”.
Đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc
Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích không chỉ để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học mà quan trọng hơn là để thay đổi cách dạy và học phổ thông, để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, năm nay các khâu kỹ thuật cho kỳ thi được chuẩn bị kỹ càng hơn, hạ tầng công nghệ thông tin nên phần mềm thi và đăng ký xét tuyển được vận hành thông suốt. Phần mềm chấm thi cũng đã được chạy thử cho kết quả tốt. Đề thi cũng đã được Bộ GD&ĐT bàn giao cho tất cả các Sở GD&ĐT an toàn từ ngày 10/6. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi từ bố trí cán bộ làm thi, hạ tầng cơ sở phục vụ kỳ thi cho đến các biện pháp an ninh bảo đảm an toàn đề thi đều đã được các địa phương chuẩn bị kỹ càng.
Tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2017, tỉnh Vĩnh Phúc có 11.400 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, có 10.681 thí sinh lớp 12 và 719 thí sinh tự do. Có 5.728 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (chiếm 53,6%). Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hoàng Minh Quân: Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Sở GD&ĐT thực hiện khẩn trương, đúng kế hoạch. Căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi và điều kiện đáp ứng về an toàn, an ninh, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thành lập 28 điểm thi tại các huyện, thị, thành, gồm 27 điểm thi dành cho 9.187 thí sinh lớp 12 với 461 phòng thi; 1 điểm thi dành cho 716 thí sinh tự do với 28 phòng thi. Sở GD&ĐT cũng phối hợp với lực lượng an ninh lên phương án bảo vệ đề thi an toàn tuyệt đối.
Còn tại Nam Định, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Xuân Hùng: Toàn tỉnh có tổng số 18.898 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 16.680 thí sinh lớp 12 hệ THPT, 1.152 thí sinh lớp 12 hệ GDTX và 866 thí sinh tự do. Trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi có 4.352 thí sinh dự thi chỉ xét tốt nghiệp, 13.680 thí sinh dự thi vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, 866 thí sinh dự thi chỉ xét đại học, cao đẳng. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 68.859 thí sinh. Tỉnh đã bố trí 33 điểm thi đặt tại 32 trường THPT công lập và 1 trung tâm GDTX. Đến nay, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương, các trường chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, kinh phí, bố trí cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn, có kinh nghiệm tham gia thực hiện kỳ thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu nhằm bảo đảm kỳ thi thực sự nghiêm túc, khách quan và an toàn.