Chạm đến cảm xúc của công chúng
- Chị có thể chia sẻ lý do quyết định chọn 9 ca khúc nhạc xưa trong album “Chạm” vừa ra mắt?
Trước khi học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), tôi đã yêu quý các nhạc sĩ như Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… qua nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của họ.
Khi trưởng thành hơn, tôi có thói quen tìm tòi các điển tích, những câu chuyện riêng của từng bài hát và càng thấy yêu mến, trân trọng các tác phẩm đó hơn. Hơn thế, âm nhạc có dòng chảy riêng, là ca sĩ thế hệ sau tôi thấy có trách nhiệm làm mới, giúp các ca khúc sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc.
- Làm mới những ca khúc đã quen thuộc, phải chăng là điều khó, vì thế chị cần tới ba năm cho album này?
Sở dĩ mất tới ba năm tôi mới đưa “Chạm” đến với khán giả của mình, bởi album này cũng như các album trước của tôi không phải là sản phẩm được ra mắt vì cảm hứng tức thời. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về “câu chuyện âm nhạc” được viết nên bằng tổng thể các ca khúc.
Khâu chọn bài và hòa âm phối khí lấy mất nhiều thời gian nhất. Sau đó tôi tập trung nghiên cứu rất kỹ cách xử lý các ca khúc và phần thu âm lại diễn ra rất nhanh.
Năm đầu tiên, các track nhạc được thu âm gần như hoàn chỉnh tại phòng thu của nhạc sĩ Nguyễn Anh Khoa. Sau đó là quá trình sửa đổi, biên tập. Thời gian kéo dài cũng bởi tính tôi cầu toàn và làm album tại TPHCM nên tôi phải đi lại nhiều lần để hoàn thành thật trọn vẹn đĩa nhạc.
- Có một chi tiết thú vị, những ca khúc trong “Chạm” phần lớn đều đã được nhiều giọng ca nam hát thành công. Dường như chị đặt mình vào thế khó để thử thách bản thân và chinh phục khán giả?
Đa số các tác phẩm trong album “Chạm” đều từng được thể hiện bởi các giọng ca nổi tiếng, được công chúng thừa nhận, thậm chí nhiều bài đã “đóng đinh” bởi các ca sĩ thế hệ trước, như danh ca Tuấn Ngọc chẳng hạn.
Để vượt qua những “cái bóng” ấy là thách thức. Nhưng điều đó không khiến tôi e ngại, thậm chí là một thách thức thú vị để mình muốn vượt qua.
Vì vậy, tôi chọn cho mình cách xử lý ca khúc riêng, mang hơi hướng bán cổ điển - con đường âm nhạc mà suốt nhiều năm qua tôi theo đuổi. Điều đó giúp tôi mang nhạc bán cổ điển đến gần hơn với công chúng, đồng thời giúp tôi khoác lên các ca khúc bất hủ một diện mạo mới, mang đến sự hứng thú riêng cho khán giả của mình.
Tôi cũng muốn là ca sĩ nữ đầu tiên hát những ca khúc này. Chọn “Chạm” là tiêu đề cho album, Phạm Thu Hà mong rằng các ca khúc tình ca bất hủ, qua giọng hát và sự trải nghiệm của mình, phần nào “chạm” tới trái tim khán giả.
Xa hơn nữa, nó cũng thể hiện sứ mệnh trong hành trình âm nhạc của Hà, là chạm đến cảm xúc của công chúng. Đó không phải là hành trình dễ dàng nhưng với tôi, nó tràn đầy hạnh phúc và tình yêu…
Khó khăn cũng không bỏ cuộc
- Lựa chọn và theo đuổi con đường âm nhạc cổ điển giao thoa ở Việt Nam, chị gặp khó khăn gì?
Cổ điển giao thoa không mới với thế giới nhưng ở Việt Nam thì còn khá mới mẻ. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này phải chấp nhận nhiều thứ, trong đó phải chấp nhận thời gian, phải biết chờ đợi…
Vì vậy, các sản phẩm của tôi trong những năm qua đều hướng chung vào mục đích: Mỗi một năm, mình lại đến gần hơn với công chúng yêu nhạc. Còn con đường này có khó khăn không? Tôi thấy nó rất khó khăn.
- Có phải khó nên chị quyết định “rẽ lối”, thành lập Công ty giải trí PTH Media?
Điều này thì không đúng, bởi dù con đường âm nhạc mình đã chọn có khó khăn đến đâu, tôi cũng không bỏ cuộc. Chưa kể, trên con đường đã chọn, chưa khi nào tôi cảm thấy đơn độc và quan trọng hơn, tôi thấy mình không chọn sai đường.
Sau gần chục năm, đến nay, tôi cũng đã tạo được vị trí nhất định, đồng thời cảm thấy tự hào với những sản phẩm âm nhạc của mình.
Việc thành lập một công ty hoạt động trong các mảng giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thời trang từ lâu đã là mong ước của tôi. Bởi làm ca sĩ, không phải lúc nào cũng được hát. Vậy thời gian trống, mình có thể làm thêm những việc khác. Và việc này chắc chắn không lấn lướt nghề chính, hơn thế, sẽ giúp Hà được nối dài cánh tay, cống hiến nhiều hơn…
- Nhiều người chờ đón liveshow “Về nhà” nhưng cũng đang thắc mắc không hiểu vì sao “họa mi bán cổ điển” Phạm Thu Hà không chọn Hà Nội nơi chị lớn lên, thành danh mà lại chọn Hải Phòng để tổ chức liveshow cá nhân đầu tiên?
Vì là liveshow đầu tiên nên Hà đã quyết định chọn Hải Phòng và cũng quyết rất nhanh cho tên của show diễn là “Về nhà”. Lý do, đơn giản thôi, Hà sinh ra ở TP Hải Phòng, cả tuổi thơ gắn liền với thành phố cảng. Không ăn sóng nói gió được như bao người dân vùng cửa biển, nhưng lúc nào tôi cũng tự hào và dành tình yêu thương cho vùng đất, con người quê hương mình.
Tôi thường nghĩ, mình sinh ra là để hát và niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được hát ở chính quê hương mình. “Về nhà” là một đêm nhạc để Phạm Thu Hà tri ân chính mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình.
- Cám ơn ca sĩ Phạm Thu Hà!