Tuy nhiên, mới đây một quán cà phê nằm ở mặt tiền một con đường thuộc một quận trung tâm của TPHCM có “chính sách” đổi một phần đồ uống với một cuốn sách cũ. Hơn nữa, khi tới quán cà phê này, khách tha hồ đọc hàng trăm cuốn sách tại chỗ, cũng như kết nối với những người bạn cùng sở thích.
Đây là hoạt động “Uống cà phê trả tiền bằng sách” đang diễn ra một buổi/tuần (cuối tuần) tại quán cà phê số 50 Nguyễn Khắc Nhu (Q.1, TPHCM). Tới quán cà phê nếu khách hàng mang theo một cuốn sách thì được một phần đồ uống miễn phí.
Một bạn trẻ khi đến đây đã chia sẻ: “Cà phê sách thì ở TPHCM rất nhiều, nhưng uống cà phê trả bằng sách thì đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm. Không gian quán nhỏ xinh, ấm cúng, tôi thích những gì xưa cũ, cổ điển nên chắc chắn sẽ ghé lại nơi này nhiều hơn”.
Theo thống kê, tỷ lệ đọc sách của người Việt mình còn rất khiêm tốn. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản về đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Đồng thời đưa ra 10 yêu cầu để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, trong đó yêu cầu thứ 6 nêu: Tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con; lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Thời gian qua, nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển việc đọc sách đã diễn ra trên phạm vi cả nước. Gần đây, sự xuất hiện của cây ATM sách do Thái Hà Boooks khởi xướng đã tạo được chú ý của xã hội. Thậm chí, TS Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Thái Hà Books) đã đề nghị cần có chiến lược cấp quốc gia về khuyến đọc, đẩy mạnh văn hóa đọc đến trường học. Đồng thời cần phải có “tiết đọc sách” và thêm nhiều cuộc thi viết review, kể chuyện, học tập các tấm gương trong sách... Ngoài ra, nhà trường cần quan tâm hơn đến thư viện của đơn vị mình để nơi đây có một kho di sản sách hay và chất lượng phục vụ cho cả thầy cô lẫn học sinh.
Câu chuyện “Uống cà phê trả tiền bằng sách” ý tưởng của anh Lê Bá Tân - người từng làm giáo viên THPT tại TPHCM. Vốn là một người rất mê sách, anh Tân chia sẻ mong muốn lan tỏa văn hóa đọc tới nhiều người trẻ hơn nên anh mở tiệm cà phê sách này.
Nhìn một số khách hàng trẻ đến đây với những cuốn sách cũ trên tay vui vẻ bên thức uống rồi về, để lại cuốn sách của mình, người ta có quyền liên tưởng đến một sự phát triển nào đó của việc đọc sách. Và lòng thầm nghĩ, nếu có thêm nhiều quán cà phê sách như vậy thì hay biết bao.