Tại Hà Nội, số ca mắc SXH vẫn tiếp tục tăng, toàn thành phố đã ghi nhận trên 15.300 ca.
Đặc thù các bệnh nhân SXH nặng năm nay có diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp trẻ nhưng diễn biến nặng. Cụ thể, theo thống kê, tuần 38, cả nước ghi nhận 5.758 trường hợp mắc SXH. So với tuần trước số mắc giảm 4,3%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm 5,6%.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 93.814 trường hợp mắc, 26 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (228.490/117), số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần này, trên địa bàn thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc SXH (tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9/2023).
Như vậy, cộng dồn 9 tháng năm nay, Hà Nội đã ghi nhận 15.354 trường hợp mắc SXH (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, Hà Nội ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất là xu thế chung về dịch tễ của cả khu vực.
Thông thường, Hà Nội cũng như các tỉnh của khu vực miền Bắc thường ghi nhận ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào tháng 9, 10. Ngoài ra, năm nay còn có các yếu tố về thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho đàn muỗi véc tơ phát triển với mật độ cao, làm phát tán virus Dengue ở cộng đồng mạnh hơn.
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân SXH nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 4 - 5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc SXH với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.
Dự báo, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.