Chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, hoạt động dạy học trực tiếp vẫn được duy trì.
Linh động ứng phó khi ca nhiễm tăng
Theo chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, việc mở cửa lại trường học trong bối cảnh thích ứng với dịch Covid-19 thì xuất hiện các ca nhiễm trong môi trường học đường là điều không thể tránh khỏi. Phát hiện F0 trong nhà trường là điều không ai muốn nhưng đó cũng là tình huống được dự đoán. Các ca dương tính trong trường chủ yếu được phát hiện tại nhà, một số ít phát hiện trong lớp học đều được nhà trường phối hợp với trạm y tế địa phương xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.
Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết: Tính từ ngày mở cửa trường học đến nay, quận ghi nhận khoảng 1.000 lượt học sinh F0, cao điểm nhất là 2 tuần gần đây do số lượng F0 ngoài cộng đồng tăng cao. Phòng chỉ đạo nhà trường thực hiện nghiêm vệ sinh khử khuẩn, trong đó lưu ý 5K trong phòng chống dịch tại trường học. Tiếp tục duy trì hình thức học tập trực tiếp vì đây là hình thức học tập phù hợp, chất lượng nhất.
Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy lưu ý các trường có nhiều F0, nhất là giáo viên để phân công công tác giảng dạy cho phù hợp. Đối với những giáo viên F0 có triệu chứng nhẹ có thể tổ chức giảng dạy tại nhà để đảm bảo bài vở cho học sinh. Riêng những học sinh F0, nhà trường hướng dẫn tổ chức giảng dạy phù hợp, đảm bảo tiến độ học tập và kiến thức với phương châm không bỏ học sinh lại phía sau với bất kỳ lý do, hoàn cảnh nào.
Với đã ghi nhận số ca dương tính Covid-19 Tiền Giang, Sở Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu với ca dương tính tăng nhanh. Ngành Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trường học. Sở GD&ĐT Tiền Giang yêu cầu những cơ sở giáo dục đạt “Mức độ an toàn rất cao” tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp.
Những cơ sở giáo dục không đạt “Mức độ an toàn rất cao”, thủ trưởng đơn vị làm tờ trình xin ý kiến Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, thị xã, thành phố tạm dừng việc dạy học trực tiếp chuyển sang dạy học trực tuyến. Nhà trường tăng cường phối hợp với gia đình theo dõi thường xuyên về sức khỏe, tư vấn tâm lý, giúp các em ổn định tâm lý và việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh…
Sáng 14/3, tỉnh Bến Tre ghi nhận thêm 1.082 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, có 443 ca liên quan cơ sở giáo dục, nâng tổng số ca liên quan cơ sở giáo dục là 7.575 ca. Tại tỉnh Trà Vinh, theo Sở GD&ĐT, từ ngày 7/2 - 10/3, tại các trường học xuất hiện 2.478 ca Covid-19 (trong đó 2.044 học sinh và 443 giáo viên), 3.187 F1. Hầu hết học sinh nhiễm bệnh đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên các em vẫn theo dõi chương trình học tại nhà. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với gia đình theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh. Thực hiện hướng dẫn về việc tổ chức học trực tiếp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, tùy trường học, số ca bệnh xảy ra mà có hướng xử lý phù hợp. Trong đó, nếu phát hiện có F0, giáo viên sẽ khoanh vùng, xác định F1 và cho các em nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến tại nhà.
Nỗ lực duy trì chất lượng giáo dục
Để bảo đảm chất lượng giáo dục, hình thức dạy học song hành (trực tiếp - trực tuyến) tại các địa phương đang phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo thầy Phạm Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Lai (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), các giáo viên F0 đều tham gia công tác giảng dạy trực tuyến tại nhà. Nhà trường chỉ đạo Tổ trưởng bộ môn chủ động phân công giáo viên thay thế nếu có F0, đảm bảo việc học cho học sinh.
Riêng những học sinh F0, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm rà soát và nắm danh sách hướng dẫn học sinh tham gia học trực tuyến. Hiện trường đã bố trí được 2 phòng học với 2 chức năng (vừa dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến) ở mỗi khối lớp. Thời gian tới nhà trường sẽ bố trí xây dựng thêm để đảm bảo học tập cho học sinh trong trường hợp nhiễm và nghi nhiễm.
Tại Trường Thực hành sư phạm tỉnh Trà Vinh, có thời điểm 10 lớp học phải chuyển sang học trực tuyến. Theo đó, việc xử lý các lớp học có F0 được thực hiện linh hoạt theo từng bậc học. Ở bậc THCS, THPT, nếu lớp học có F0 và xác định F1 thì chuyển sang học trực tuyến thông qua camera tại lớp học. Bậc tiểu học, nếu các em không học trực tuyến được thì buổi tối giáo viên sẽ dành thời gian trao đổi, hướng dẫn các em học và làm bài tập tại nhà. Đồng thời, nhắc các em theo dõi chương trình học phát trên đài truyền hình. Trường hợp trên 50% học sinh của lớp phải học tại nhà thì chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến…
Tỉnh Cà Mau ngoài duy trì dạy và học trực tuyến cho học sinh (thuộc diện F0, F1), nhiều trường học ở TP Cà Mau ứng dụng công nghệ truyền hình trực tiếp trên lớp thay cho giảng dạy trực tuyến. Với thiết bị thu hình và truyền trực tiếp đến các thiết bị điện tử thông minh: Smartphone, máy tính bảng, laptop... học sinh bị nhiễm Covid-19 hoặc học sinh là F1 được tham gia lớp học như các bạn đang học trực tiếp trên lớp, cùng giờ, cùng thời khoá biểu. Phương pháp này sẽ giảm tải việc phải mở thêm lớp trực tuyến trái giờ của giáo viên như trước.