Nhưng không ít cá nhân lại không hề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thậm chí khả năng kiếm tiền của họ còn vượt tổng GDP của nhiều quốc gia.
Một trong những gương mặt doanh nhân nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong năm qua là tỷ phú Elon Musk, ông chủ hãng xe điện Tesla và các công ty khởi nghiệp tầm cỡ như SpaceX. Đầu tuần này ông thông báo mình sẽ phải chi trả hơn 11 tỷ USD tiền thuế trong năm 2021. Đây sẽ là hóa đơn thuế cá nhân lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và tương đương với GDP của Moldova trong năm nay.
Trước đó, hãng CNBC cũng đã ước tính Elon Musk phải đóng khoản thuế 12 tỷ USD dựa trên số liệu các nguồn thu nhập khủng của tỷ phú này trong năm nay. Sự giàu có của người giàu nhất hành tinh theo danh sách của Forbes này không đến từ lương thưởng tiền mặt, mà chủ yếu đến từ giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh và số lượng cổ phiếu được trao tặng.
Năm nay giá cổ phiếu hãng xe điện Tesla đã tăng 28% và tính trong 5 năm qua thì giá đã tăng tổng cộng tới 2.300%. Đây là nguồn thu chính dẫn đến khối tài sản khổng lồ 244 tỷ USD của Elon Musk hiện nay. Những con số nhiều tỷ USD này vốn trước đây chỉ sử dụng khi đề cập đến doanh số của các tập đoàn lớn, hoặc nói về GDP của một quốc gia.
Nhưng cũng giống Elon Musk, sự bùng nổ của kinh tế số khiến giờ đây người ta cũng phải sử dụng đơn vị tỷ USD khi nói về những cá nhân ở Trung Quốc phất lên chỉ nhờ bán hàng bằng hình thức livestream. Ngày càng có nhiều thương hiệu lớn toàn cầu như
L"Oreal, Unilever và Adidas buộc phải chuyển hướng hợp tác với những người cá nhân nổi tiếng Trung Quốc để bán hàng tiêu dùng thông qua các kênh phát trực tiếp của họ.
Công ty tư vấn McKinsey dự đoán ngành thương mại bán hàng online này của Trung Quốc sẽ đạt mức 423 tỷ USD vào năm 2022. Con số này cao hơn gấp đôi so với ước tính cho năm 2020 và lớn hơn cả các nền kinh tế của các nước như Na Uy hay Ireland.
Nhờ đại dịch Covid, ngành công nghiệp bán hàng trực tuyến này đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số các ngôi sao livestream so với năm ngoái.
Một loạt ngôi sao livestream bán hàng của Trung Quốc đang sở hữu doanh số tương đương với cả một tập đoàn bán lẻ lớn. Đứng số một hiện nay là Vi Á, người được mệnh danh là “nữ hoàng livestream” đang có số người theo dõi đạt mức hơn 100 triệu. Tiếp theo cô là Lý Giai Kỳ, còn được mệnh danh là “ông hoàng son môi” cũng có lượng theo dõi khủng.
Các thương hiệu lớn muốn tìm được chỗ đứng cho sản phẩm của mình trên các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc như Taobao hay Alibaba đều không thể bỏ qua các ngôi sao livestream trên.
Công ty tư vấn công nghệ China Internet Data Center nhận định, với lợi nhuận như hiện tại, công ty quản lý của Vi Á có thể dễ dàng được định giá ở mức 16 tỷ USD nếu phát hành cổ phiếu.
Tuy nhiên, sự bùng nổ quá nóng của các cá nhân nói trên cũng buộc chính quyền Trung Quốc phải siết lại chính sách liên quan để hạn chế tiêu cực. Mới đây Vi Á đã bị phạt số tiền kỷ lục là 200 triệu USD do trốn thuế, một con số vốn chỉ dành cho các tập đoàn quy mô lớn.
Những con số tỷ USD do các cá nhân mang lại nói trên là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bùng nổ của nền kinh tế số hiện nay. Xu hướng này đang làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh doanh toàn cầu. Trong tương lai, các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ còn mạnh mẽ hơn và càng được bối cảnh dịch bệnh giúp sức.