Cà Mau vượt khó trong năm học mới

GD&TĐ - Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng ngành GD&ĐT Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn trước thềm năm học mới. Đặc biệt là tình trạng thiếu cơ sở vật chất và thiếu trường lớp: Hiện nay tỉnh thiếu khoảng 1.400 nhà công vụ cho giáo viên và 1.350 phòng học bị xuống cấp…

Học sinh ở huyện Ngọc Hiển đi đò ngang đến trường
Học sinh ở huyện Ngọc Hiển đi đò ngang đến trường

Nhận diện khó khăn

Thiếu trường lớp, phòng học xuống cấp, thiếu nhà công vụ cho giáo viên, tỷ lệ huy động HS ra lớp còn thấp, tỷ lệ HS bỏ học ở cấp THCS và THPT vẫn còn cao… đang là thách thức lớn với ngành GD&ĐT Cà Mau trong năm học mới 2015 - 2016.

Được quan tâm đầu tư nên hệ thống trường lớp ở Cà Mau được quy hoạch và mở rộng tương đối hoàn chỉnh với sự phát triển khá cân đối của các cấp học, ngành học. 

Toàn tỉnh hiện có 132 trường mầm non, 267 trường tiểu học, 118 trường THCS, 32 trường THPT… Cà Mau đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia 204/548 trường (đạt 37,23%), trong đó có 43 trường mầm non, 110 trường tiểu học, 50 trường THCS và 1 trường THPT.

Ở bậc học mầm non, tỉnh đang nỗ lực để hoàn thành PC GDMN 5 tuổi. Toàn tỉnh có 58/101 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành PC GDMN 5 tuổi (đạt 57,43%). 

Ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau - cho biết: Ở bậc học mầm non, nhìn chung cơ sở vật chất có sự chuyển biến khá tốt nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu nhận trẻ trong độ tuổi vào học. 

Hiện vẫn còn một số trường mẫu giáo, mầm non ở vùng nông thôn sâu đang gặp nhiều khó khăn (có 314 phòng học còn phải học nhờ của trường tiểu học), nhiều phòng học chưa đủ diện tích, bàn ghế chưa đúng quy cách…

Nhìn chung mặt bằng dân trí của tỉnh vẫn còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Thứ hai là tỷ lệ huy động HS đến trường vẫn còn thấp, nhất là ở cấp mầm non, cấp THPT và GDTX; tỷ lệ HS học lực yếu, kém và bỏ học còn cao... 

Đơn cử như tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ chỉ hơn 5%, trẻ mẫu giáo hơn 60%, mẫu giáo 5 tuổi hơn 95%... Tỷ lệ HS bỏ học còn cao, trong đó cấp THCS 1,92%; cấp THPT 5,7%.

Thời gian qua hệ thống trường lớp đã được quan tâm đầu tư xây dựng mới và cải tạo, song vẫn còn thiếu và một số bị xuống cấp. Nhiều trường còn thiếu hệ thống các phòng chức năng, thiếu điều kiện, tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường đạt chuẩn quốc gia. 

Còn thiếu nhiều thiết bị công nghệ thông tin, nhất là ở bậc Mầm non và Tiểu học. Số trường đạt chuẩn quốc gia còn ít do thiếu vốn, nhất là ở bậc THPT. 

Đặc biệt, tình hình kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ cho GV giai đoạn 3 vẫn còn hơn 2.600 phòng học; còn thiếu nhà công vụ cho GV (hiện tỉnh cần hơn 1.400 nhà công vụ cho GV) và hiện có 1.350 phòng học xuống cấp…

Cần sự quan tâm, đầu tư

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - khi nói về tình hình giáo dục của địa phương. Theo ông Hải, Cà Mau là tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn về giao thông, hạ tầng. 

Về lĩnh vực GD&ĐT Cà Mau trước đây là “vùng trũng của vùng trũng”. Tuy nhiên với sự quan tâm của các cấp, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là ngành GD nên bộ mặt GD địa phương có sự phát triển và giảm bớt khó khăn. Đến nay so với các tỉnh, thành thì Cà Mau vẫn rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương…

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia PC GDMN cho trẻ 5 tuổi. 

Bên cạnh đó phải có quy định về chế độ chính sách đối với người làm công tác PC GDMN 5 tuổi và đội ngũ làm công tác phục vụ trong trường mầm non định mức phù hợp hơn, như hiện nay là rất thấp.

Đặc biệt các bộ, ngành cần tìm giải pháp nâng tỷ suất đầu tư xây dựng cơ bản. Do địa phương như Cà Mau có kết cấu hạ tầng và địa chất rất yếu nên cần có hệ số đầu tư xây dựng phù hợp. Ngoài ra chương trình kiên cố hóa giai đoạn 3 và nhà ở công vụ cho GV đang đặt ra yêu cầu khá bức xúc...

Ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau - kiến nghị: Bộ GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều động, thu hút cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở có thành tích, năng lực và nhà giáo giỏi có thâm niên công tác ở các trường về Phòng hoặc Sở GD&ĐT.                                                                                                                   Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp dành cho các đối tượng này để tạo điều kiện thu hút cán bộ quản lý giáo dục giỏi, có chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ