Ngày 26/3, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, tình hình cua chết bất thường không chỉ gói gọn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển mà còn xuất hiện tại huyện Năm Căn và Phú Tân.
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, qua ghi nhận từ các hộ nuôi tôm, cua quảng canh tại huyện Ngọc Hiển và Năm Căn có những dấu hiệu bất thường trong quá trình nuôi như: Cua khi được thu hoạch lên khỏi mặt nước đều yếu và chết nhanh (trong 30 phút đến 1 giờ), tỷ lệ chết hơn 50%. Đối với những con còn sống thì có chất lượng thịt thấp (mềm vỏ, thịt ốp, ít thịt…), sản lượng cua thu hoạch giảm hơn so với những năm trước đây.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phân viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu thực hiện thu mẫu cua, mẫu nước, mẫu bùn trong các vuông nuôi cua quảng canh có dấu hiệu chết bất thường để tìm nguyên nhân.
Qua kết quả phân tích mẫu nước và mẫu bùn cho thấy, các yếu tố chất lượng nước này đều nằm trong giới hạn thích hợp cho cua phát triển. Riêng mẫu bùn, mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh khá cao. Đây là một trong những tác nhân cơ hội có khả năng gây bệnh cho cua.
Ngoài ra, trong kết quả xét nghiệm cả trên 3 mẫu cua (2 mẫu huyện Ngọc Hiển, 1 mẫu huyện Năm Căn) thu về có sự hiện diện của một loại ký sinh trùng (ấu trùng cypris của giáp xác chân tơ Sacculina sp), ký sinh bên ngoài mang và cả trong xoang đầu ngực, gan, mô, buồng trứng của cua. Chúng gây những tổn thương cấu trúc mô học ở những vị trí và cơ quan được quan sát, làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động sinh sản, sinh trưởng chậm.
Tuy nhiên kết quả khảo sát ở huyện Ngọc Hiển chưa mang tính đại diện (chỉ thu 3 mẫu cua bệnh/vùng nuôi), ký sinh trùng tìm thấy qua mẫu phân tích hiện nay chưa được nghiên cứu cụ thể nào trên đối tượng nuôi và mức độ ảnh hưởng của các tác nhân này đến sức khỏe của đối tượng nuôi cũng như tìm ra giải pháp phòng trị bệnh.