Cà Mau: Sóng biển “uy hiếp” đê biển Tây

GD&TĐ - Những ngày qua, lượng mưa nhiều kèm theo dông lớn đẩy từng cơn sóng biển đập vào bờ gây sạt lở nhiều đoạn đê biển Tây ở Cà Mau. Hàng ngàn người dân sống ven biển đứng ngồi không yên vì sóng biển dồn dập...

Cà Mau: Sóng biển “uy hiếp” đê biển Tây

Thông tin từ Chi cục Thủy Lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bão, gió mùa Tây Nam kết hợp với triều cường dâng cao kèm theo sóng lớn làm nhiều đoạn bờ biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời sạt lở nghiêm trọng.

Được biết, tỉnh Cà Mau có bờ biển chiều dài lên tới 252km, lại là tỉnh có hệ sinh thái nửa mặn nửa ngọt nên nếu vỡ đê, nước biển tràn vào sẽ gây xâm mặn cả vùng ngọt hóa.

Cụ thể, tại tuyến đê ven biển huyện U Minh, có bốn điểm sạt lở mới với tổng chiều dài 648m, những đoạn sạt lở trên đai rừng chỉ còn từ 2 - 5 m là tới chân đê.

Còn tại huyện Trần Văn Thời, nhiều điểm sạt lở ven biển phát sinh thêm với tổng chiều dài hơn 1000m. Tại đoạn sạt lở này, có những điểm không còn rừng phòng hộ để bảo vệ, sóng biển đánh trực tiếp vào chân đê, đe dọa vỡ đê.

Trước thực trạng đê biển Tây Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng, các ngành chức năng Cà Mau phối hợp với chính quyền địa phương gia cố tạm thời những đoạn sạt lở. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các loại vật liệu cần thiết (kè bản nhựa, bao sinh thái, cừ tràm…) kiên quyết không để sạt lở gây vỡ đê. 

Về lâu dài, ngoài kiến nghị xin thêm nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để xây dựng kè chắn sóng, bảo vệ đê… Tỉnh Cà Mau sẽ thực hiện di dời tất cả những hộ dân sinh sống ven đê, không để dân lấn chiếm, đồng thời phân cấp cho xã, huyện thực hiện trồng cây chắn gió, chắn sóng dữ góp phần bảo vệ đê biển...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.