Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do các trường học có xu hướng chia nhỏ số học sinh để tăng số lớp. Từ đó, dẫn đến thiếu giáo viên nên phải tổ chức dạy tăng giờ và hợp đồng thêm giáo viên. Trong khi đó, kinh phí chi cho sự nghiệp GD không đầu tư cho mua sắm, sửa chữa mà chỉ tập trung để trả lương hợp đồng và tăng giờ...
Sắp xếp trường lớp và đội ngũ
Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành thống nhất phải rà soát, sắp xếp lại trường, lớp để giảm nhu cầu giáo viên, tập trung nguồn lực cho nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học. Các địa phương chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với những giáo viên dôi dư so với biên chế được giao do từng trường, từng địa phương tự ý hợp đồng mà chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương cấp và thanh quyết toán kinh phí trả lương đối với 264 giáo viên hợp đồng nói trên theo đề xuất của Sở GD&ĐT.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Cà Mau, bậc học mầm non có 120 trường (296 điểm lẻ); bậc tiểu học có 256 trường (327 điểm lẻ); bậc THCS có 119 trường (12 điểm lẻ). Sau khi sắp xếp hệ thống trường học như ghép trường, xóa điểm lẻ, toàn tỉnh đã giảm 22 lớp mầm non, 230 lớp tiểu học và 81 lớp THCS… Đơn cử như ở huyện Thới Bình, trước đây toàn huyện có 105 điểm trường lẻ, sau khi thực hiện chủ trương xóa điểm lẻ, hiện chỉ còn 42 điểm. Nhờ đó, toàn huyện hiện có 22 trong số 58 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Ông Huỳnh Thanh Hận - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Bình – chia sẻ: “Trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, khó nhất là vốn. Nếu còn điểm lẻ thì vốn đầu tư sẽ không tập trung, không hiệu quả. Việc ghép điểm lẻ giúp đưa học sinh về điểm trung tâm, nơi có môi trường GD tốt hơn…”.
Giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng GD
Tỉnh Cà Mau hiện đang tập trung rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GD mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện của từng địa bàn theo hướng cụm trường, liên trường, giảm các điểm trường lẻ đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu GD. Từ đó hướng đến việc tinh gọn bộ máy trường lớp và giáo viên nhằm giảm gánh nặng ngân sách và nâng cao chất lượng GD.
Theo ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau: Chủ trương xóa điểm lẻ, ghép trường được thực hiện từ năm 2016 và Cà Mau đã xóa hàng trăm điểm lẻ. Đây là chủ trương phù hợp nhu cầu phát triển GD và tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả vật chất lẫn đội ngũ giáo viên…
Việc sắp xếp giảm điểm trường nhỏ lẻ, nhằm tăng suất đầu tư, phát triển quy mô, nâng cao chất lượng GD phổ thông là yêu cầu khách quan. Có thể xem đây là hoạt động “tái cấu trúc GD” tuy không ồn ào, nhưng đang đặt ra là một trong những vấn đề “nóng” của GD hiện nay. Nếu xét đến cùng, việc tăng ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD, đội ngũ giáo viên “phình” ra như thực trạng đã qua, trong đó có nguyên nhân từ việc duy trì quá lâu các “điểm trường lẻ”.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Luân, mỗi giai đoạn yêu cầu khách quan đặt ra đối với ngành GD địa phương những nhiệm vụ khác nhau, nhưng nhìn một cách phổ quát, đó là sự điều chỉnh cần thiết để đảm bảo cho hệ thống GD Mà Mau phát triển ổn định, theo hướng bền vững. Giải pháp được tỉnh Cà Mau chọn chính là tiến hành rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD theo hướng mở. Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp nhằm xây dựng hệ thống GD phục vụ cho học tập suốt đời, hướng đến xã hội học tập.