Cà Mau: Rừng tràm 'khát nước'

GD&TĐ - Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích gần 9.000ha, hiện tại toàn bộ diện tích rừng đã khô hạn hoàn toàn.

Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai phối hợp Đồn Biên phòng tuần tra bảo vệ rừng có nguy cơ cháy cao.
Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai phối hợp Đồn Biên phòng tuần tra bảo vệ rừng có nguy cơ cháy cao.

Nắng hạn gay gắt, các tuyến kênh dần cạn nước, hệ thống dây leo khô héo... những cánh rừng tràm trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đối mặt với nguy cơ từ “giặc lửa”.

Hơn 21.000 ha rừng tràm nguy cơ cháy

Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích gần 9.000ha, hiện tại toàn bộ diện tích rừng đã khô hạn hoàn toàn; trong đó có trên 3.700ha đang dự báo cháy cấp III (cấp cao); hơn 700 ha đang ở dự báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm).

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết: Năm nay nắng hạn đến sớm và gay gắt hơn mọi năm, các tuyến kênh trong vườn cũng mau cạn nước. Trước đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ đã chủ động dự trữ nước phục vụ cho công tác phòng chống cháy.

“Hiện tại, ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt mực nước còn 250cm, ở phân khu phục hồi sinh thái mực nước là 248cm”, ông Lê Thanh Dũng thông tin.

Tại đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển), những thảm cỏ xung quanh đảo đã khô héo vì thời tiết nắng nóng kéo dài trong những ngày qua. Quan sát cho thấy cây sống trên những tảng đá to được xem là những loài cây chịu hạn tốt cũng rụng trơ lá để duy trì sự sống. Nguồn nước ngọt dưới các con suối dẫn về khu vực này cũng cạn; một số hồ trữ nước trong rừng đã trơ đáy.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai thông tin: Đến nay toàn bộ 500ha rừng trên cụm đảo đã khô hạn, dự báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm). Chỉ cần bất cẩn một chút để phát sinh lửa, rừng trên đảo Hòn Khoai sẽ có nguy cơ bị thiêu rụi hoàn toàn.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, nắng nóng kéo dài đã làm khô cạn hơn 45.600ha rừng trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó có hơn 18.800ha rừng dự báo cháy cấp III (cấp cao), gần 2.000ha rừng dự báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm) và gần 300 ha rừng dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

“Dự báo cấp độ cháy rừng thay đổi nhanh và liên tục từng ngày từ cấp cao lên cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm. Rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo đang đứng trước những áp lực cháy rất lớn khi lượng nước dưới chân rừng khô cạn rất nhanh, lớp thực bì và dây leo bám theo cây rừng đang khô héo”, ông Lê Văn Hải chia sẻ.

Hệ thống dây leo bám trên thân tràm bắt đầu khô héo.

Hệ thống dây leo bám trên thân tràm bắt đầu khô héo.

Ra sức ngăn “giặc lửa”

Ông Nguyễn Thanh Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai cho biết, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng tại đơn vị hiện được cung cấp đầy đủ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng.

Biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị hiện nay chủ yếu là ngăn chặn người dân lên rừng trong mùa khô và thu gom những thực bì, cỏ khô ở những vùng trọng điểm dễ cháy nhằm làm giảm vật liệu cháy.

Còn tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, thời điểm này đơn vị đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó xác định “phòng cháy là chính”. Hiện các tuyến lộ, tuyến đường thủy ra, vào Vườn quốc gia U Minh Hạ đã được dọn thông thoáng, đảm bảo lưu thông thuận tiện.

Vườn quốc gia đã bố trí 16/19 điểm đội, chốt trực phòng cháy rừng trên toàn khu vực lâm phần, đưa 12 tổ máy bơm chữa cháy xuống các điểm đội chốt, nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đồng thời vườn cũng cắm 36 bảng cấm người ra vào rừng, bảng dự báo cấp cháy rừng ở những khu vực có người và phương tiện thường xuyên lưu thông. Hệ thống thông tin liên lạc được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo hoạt động tốt…

Một buổi diễn tập PCCC rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Một buổi diễn tập PCCC rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ.

“Vườn quốc gia U Minh Hạ còn bố trí tổ tuần tra gồm 10 lực lượng, hàng ngày thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra, luồn rừng trên toàn lâm phần Vườn quốc gia. Ngoài ra, Vườn quốc gia cũng đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô 2023 - 2024”, ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ thông tin.

Trao đổi về công tác bảo vệ rừng trong mùa khô, ông Hồ Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin, sẽ đưa lực lượng dân quân tự vệ đi huấn luyện tại Vườn quốc gia U Minh Hạ; trong đó có các nội dung liên quan đến phòng cháy chữa cháy rừng. Đây sẽ là lực lượng phối hợp trong xử lý tình huống khi có cháy xảy ra.

Trước tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, trong chuyến kiểm tra gần đây về công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các đơn vị, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý các chủ rừng, các đơn vị quản lý không được chủ quan, lơ là; thực hiện tốt công tác thông tin, phối hợp giữa các đơn vị, các lực lượng trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô; có phương án huy động lực lượng khi có cháy xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các lực lượng chuyên trách phòng cháy chữa cháy rừng, tổ máy bơm thường xuyên ứng trực 24/24, kiểm tra, sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ, sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh điều động ban chỉ đạo các cấp theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời xử lý khi có cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan.

“Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng những năm trước chủ yếu do người dân đốt đồng, vào rừng ‘ăn’ ong, săn bắt động vật trái phép. Vì vậy, chính quyền địa phương, các chủ rừng, các đơn vị tham gia quản lý và bảo vệ rừng; nhất là tại các chốt trực canh lửa phải thường xuyên tuyên truyền, vận động, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm. Tuyệt đối không để người dân vào rừng ‘ăn ong’, bắt cá, đặc biệt tại khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ… Xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.