Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT khẩn trương trình kế hoạch tổ chức dạy và học trên truyền hình, trực tuyến qua Internet, báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh còn đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế địa phương theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, gióa viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường.
“Nếu phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, công văn của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rõ.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị trường học tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế (đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay).
Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cũng đã “lên kịch bản” về việc tổ chức dạy học trực tuyến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo 3 phương án: Tình hình bình thường; Có nguy cơ xảy ra dịch bệnh và dịch bệnh xảy ra, học sinh phải nghỉ học.
Theo phương án tình hình bình thường, Sở này chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Còn phương án có nguy cơ xảy ra dịch bệnh thì chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát, điều chỉnh lại chương trình, kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT.
Chỉ đạo các nhà trường kết hợp vừa tổ chức chức dạy học trên lớp, vừa tổ chức dạy học qua Internet thông qua các phần mềm, ứng dụng như VNPT-Elearning (VNPT Cà Mau), ViettelStudy (Viettel Cà Mau), Trí Việt E-Learning, Zoom Cloud Meetings trên PC, Zalo, Facebook...
Riêng đối với phương án có dịch bệnh xảy ra, học sinh phải nghỉ học, Sở GD&ĐT Cà Mau sẽ tổ chức dạy học trên tuyền hình và dạy học qua internet.
Cụ thể, với việc dạy học qua truyền hình, Sở GD&ĐT chủ trì thành lập Ban Tổ chức, Ban Biên soạn chương trình, bài dạy; tổ chức xây dựng chuyên đề/chủ đề/bài dạy; tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy học trên truyền hình, việc quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh tại các trường học.
Các trường học chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thông báo cụ thể lịch phát sóng của từng môn đến tất cả học sinh, phụ huynh học sinh.
Thông qua Gmail, Zalo, Facebook… giáo viên bộ môn giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn nội dung bài học và theo dõi nhận xét, đánh giá kết quả của từng học sinh; giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình học tập của học sinh theo từng môn học, từng buổi học.
Đối với dạy học trực tuyến trên Internet, Sở GD&ĐT lựa chọn phần mềm đảm bảo vừa dạy học, vừa tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với điều kiện của nhà trường, khả năng tiếp nhận của học sinh để sử dụng chung cho toàn tỉnh và Sở GD&ĐT quản lý được toàn bộ hoạt động dạy học của các trường.
Nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch dạy học, thời gian biểu từng môn học để tổ chức dạy học qua Internet; biên soạn bài giảng, bài tập, bài kiểm tra… tổ chức dạy qua internet cho từng khối lớp của nhà trường.