Ca mắc sốt xuất huyết giảm nhưng vẫn ở mức cao

GD&TĐ - Nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Để chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu, cần làm xét nghiệm máu. Ảnh minh hoạ
Để chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu, cần làm xét nghiệm máu. Ảnh minh hoạ

Người dân cho rằng, muỗi sẽ không hoạt động khi trời lạnh. Tuy nhiên, nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Thời tiết thuận lợi để muỗi sinh sôi

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua, thành phố ghi nhận hơn 1.300 ca bệnh sốt xuất huyết. Số mắc đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao do thời gian ủ bệnh dài, thời tiết nắng ấm ban ngày, lạnh về đêm thuận lợi muỗi sinh sôi.

Theo CDC Hà Nội, các ca sốt xuất huyết mới từ ngày 2 - 8/12 giảm 9% so với tuần trước đó. Một số quận, huyện vẫn có số ca mắc cao là Hà Đông (186), Đống Đa (114), Thường Tín (104), Hoàng Mai (98)... Trong tuần, thành phố ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Cộng dồn năm nay, Thủ đô ghi nhận hơn 17.600 ca, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 23 người tử vong.

Theo dự báo của Bộ Y tế, thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. sốt xuất huyết gây nên bởi virus Dengue với 4 tuýp là: DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4. Bệnh được lây truyền cho người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypi.

Các tuýp DENV2 và DENV3 có thể làm tăng độ nặng của bệnh so với các tuýp khác, riêng tuýp DENV4 có thể gây bệnh nhẹ hơn. Do đó, người mắc sốt xuất huyết cần được điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Nhờ đó, sớm phát hiện khi có diễn biến nặng. Nếu không kịp phát hiện, bệnh nhân sẽ dễ rơi vào sốc, thậm chí tử vong rất nhanh.

Theo các chuyên gia y tế, những ngày gần đây, Hà Nội đón đợt rét đầu tiên của mùa đông. Do đó, người dân cho rằng, muỗi sẽ không hoạt động khi trời lạnh nên bỏ qua việc diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt… Tuy nhiên, nhiệt độ miền Bắc đang giảm, nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Do đó, người dân không nên chủ quan, phải quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống.

Tại TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, Thành phố ghi nhận 1.169 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 24,8% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nội trú giảm 26,4% và ngoại trú giảm 23,1%.

Tính từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 76.239 trường hợp mắc bệnh, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số sốt xuất huyết nặng là 1.838 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số mắc đến tuần 48 là 2,41%. Con số này tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo HCDC, hiện nay, dù tình hình bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm, nhưng với đặc điểm thời tiết mưa nắng thất thường, người dân vẫn cần cảnh giác cao với bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi hằng tuần tại nơi làm việc và nơi cư trú.

Xét nghiệm để tránh nhầm với bệnh khác

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác.

Tuy nhiên, họ không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá, người bệnh mới đến viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Thậm chí, có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.

Để chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu, cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 - 20 G/L.

“Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh - rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao,… bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường”, PGS Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1. Từ đó, phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên.

Hiện nay, một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu,...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Nếu như vậy, có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.

Trong khi đó, bác sĩ Phí Văn Công - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cảnh báo, với người bệnh sốt xuất huyết, việc sử dụng hạ sốt không đúng có thể gây rối loạn đông máu. Từ đó, khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn. Do đó, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue chỉ được hạ sốt bằng Paracetamol, thay vì Ibuprofen.

Người bị sốt xuất huyết Dengue (cả trẻ em và người lớn) thường sốt rất cao và khó hạ sốt trong những ngày đầu. Do đó, cần sử dụng thuốc hạ sốt đúng loại và đủ liều lượng, đủ thời gian.

Với trẻ em, trong trường hợp uống thuốc nhưng không hạ sốt, hoặc chưa đến thời gian uống lần tiếp theo đã sốt cao trở lại, cha mẹ có thể chườm và lau người cho bé bằng nước mát. Vị trí chườm ở 2 bên cổ, nách và bẹn. Đồng thời, trẻ cần được uống nhiều nước. Có thể cho trẻ uống các nước điện giải, nước dừa, nước lọc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ