Mỗi ca khúc được tác giả viết từ trái tim và lòng nhiệt huyết, chất chứa nhiều tình cảm sâu đậm về thầy, cô và mái trường.
Đó là chia sẻ của TS.NSND Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam – thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”.
-TS có nhận xét gì về Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”?
- Tôi ghi nhận và đánh giá cao tính nhân văn, xã hội của cuộc thi này. Tôi được biết, đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT (đơn vị Thường trực là Báo Giáo dục & Thời đại) phát động Cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” với quy mô bài bản, nhưng đến giờ phút này có thể khẳng định, cuộc thi đã thành công trên mọi phương diện.
Cuộc thi đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các thế hệ nhạc sĩ chuyên và không chuyên. Điều đó cho thấy, Cuộc thi đã có sức lan toả nhất định trong xã hội.
Chủ đề của cuộc thi gần gũi, giàu cảm xúc nên dễ viết và viết hay. Bởi ai trong mỗi chúng ta đều có ít nhiều kỷ niệm về thầy, cô và mái trường. Ở đó là những năm tháng thanh xuân tươi đẹp, là những ngày áo trắng đến trường – nhẹ nhàng, sâu lắng. Thế nên mỗi ca khúc đều được tác giả viết bằng cả trái tim và nhiệt huyết.
Có thể nói, Ban giám khảo rất vất vả để lựa chọn những tác phẩm để trao giải trong tối nay (23/10, PV), bởi ca khúc nào cũng xứng đáng được vinh danh và lan toả.
- Chắc hẳn các tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắccho TS?
- Cuộc thi không chỉ thu hút số lượng lớn tác giả, tác phẩm dự thi mà còn đa dạng về phong cách thể loại. Mỗi tác phẩm đều có màu sắc riêng, ăm ắp kỷ niệm thủa học trò và với biết bao tình cảm mến yêu giữa thầy với trò và với mái trường thân thương. Với tôi, mỗi tác phẩm dự thi đều để lại ấn tượng và có thêm nhiều trải nghiệm mới. Tôi ấn tượng với những ca khúc giàu cảm xúc, ca từ trong sáng.
-Từ cuộc thi, ông mong muốn lan toả thông điệp gì?
- Chắc chắn những ca khúc đạt giải thưởng đều là những ca khúc tốt, đáp ứng đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, tiêu chí của Ban tổ chức và sẽ chạm đến trái tim của người nghe.
Tôi cho rằng, sau cuộc thi, các tác phẩm này sẽ được lan toả, phổ biến đến các nhà trường, các thế hệ HSSV, rộng hơn là đến với đời sống xã hội. Từ đó, gieo thêm niềm tin của xã hội với giáo dục và với thầy, cô giáo. Đó mới là điều mà chúng ta cần lan toả sâu rộng.
Trên cơ sở đó, tôi đề xuất, Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục & Thời đại nên định kỳ 4 năm phát động một lần. Cũng không nên năm nào cũng tổ chức, vì như vậy hiệu quả và hiệu ứng sẽ không cao.
-Xin cảm ơn TS.NSND Quốc Hưng!