Thưa NSND Phạm Ngọc Khôi, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường?
Cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường đã ra đời phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì vậy, cuộc thi không những có ý nghĩa to lớn mà còn tạo được ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Cá nhân tôi vô cùng yêu thích chủ đề này.
Trước đây, chúng ta cũng chưa có nhiều chuyên đề dành riêng cho những sáng tác về thầy cô và mái trường, mà mới chỉ là những tình cảm riêng của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên bày tỏ cảm xúc của mình, vì vậy, cá nhân tôi vô cùng thích cuộc thi này và đánh giá cao ý nghĩa to lớn về chủ trương của cuộc thi gắn với giáo dục.
Đồng thời, chính bản thân tôi cũng hi vọng về sự đồng hành của các nhạc sĩ chuyên nghiệp để lan tỏa ý nghĩa và tinh thần của cuộc thi.Hiện nay, giáo dục đang dần chuyển mình và đã có nhiều đổi mới, chính vì vậy, cuộc thi “ra đời” cũng đã bắt kịp xu thế tất yếu của xã hội.
Tôi cũng mong muốn rằng, chủ đề này sẽ không chỉ viết về thầy cô giáo bằng tình cảm yêu mến mà còn ca ngợi các thầy cô giáo ở miền núi xa xôi, các em học sinh từ nhiều lứa tuổi khác nhau và cả những kỉ niệm thời cắp sách đến trường,….
Cá nhân tôi mong muốn, cuộc thi “sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” sẽ tổ chức thành giai đoạn ngắn hạn hay trung hạn, ví dụ như ba năm hoặc năm năm để củng cố và duy trì cuộc thi ý nghĩa nhân văn này.
Quan điểm của ông về mối tương quan giữa nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ trình bày bài hát sau mỗi cuộc thi về âm nhạc nói chung và cuộc thi này nói riêng?
Mối tương quan giữa người sáng tác và người biểu diễn bài hát nên thành thể thống nhất. Người sáng tác là người “đẻ” ra đứa con tinh thần, vì vậy, người nhạc sĩ cũng cần gặp, hiểu, biết được ca sĩ biểu diễn, dẫn dắt “đứa con” của mình đến với công chúng ra sao.
Theo quan điểm của tôi, ca sĩ biểu diễn bài hát cho lứa tuổi học trò cũng nên là học trò thì sẽ tạo ra được tính phù hợp, hiệu quả trong việc truyền tải được ý nghĩa của ca khúc. Học trò cũng có rất nhiều lứa tuổi khác nhau theo từng cấp học, vậy nên, những bài hát trong cuộc thi cũng nên phân biệt cho từng đối tượng.
Ví dụ như bài hát dành cho các cô giáo mầm non, các em học sinh mẫu giáo, tiểu học nếu được thể hiện qua giọng ca hồn nhiên của các “nghệ sĩ nhí” thì tạo được thành công lớn. Ngược lại, các cháu bé mà hát nhạc dành cho người lớn, có thể hay nhưng sự phù hợp và cách thức truyền cảm xúc đến với công chúng khó có thể thành công như ca sĩ đã trưởng thành.
Vì vậy, âm nhạc, người sáng tác, người thể hiện ca khúc có mối tương quan rất lớn. Sự đồng điệu này sẽ “dẫn lối” cho lời ca tiếng hát đến gần với công chúng.Chính vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ, sự thống nhất chủ trương để có một hệ thống lưu trữ những sáng tác trong cuộc thi, cũng như tìm kiếm các ca sĩ nhí ở các trung tâm, các câu lạc bộ.
Hơn nữa, sức lan tỏa của cuộc thi cũng cần được tuyên truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, kênh thông tin đại chính, youtube,…để có nhiều người đến với cơ hội được sáng tác về thầy cô và mái trường hơn, cũng từ đó là điều kiện để thu hút các ca sĩ trẻ trình bày bài hát từ chính cuộc thi sáng tác đó.
Sự tương tác này cũng rất cần thiết với nhu cầu của xã hội. Bởi người nhạc sĩ, có thể trong một vùng, một điều kiện nào đó, họ không tìm được người hát phù hợp cho tác phẩm của họ, nếu thông tin được lan tỏa mạnh mẽ thì sẽ tạo lên thành công không chỉ là bài hát hay về ca từ, giai điệu mà còn cả cảm xúc thông qua người thể hiện.
Ông đánh giá như thế nào về sức trường tồn của các tác phẩm viết về chủ đề thầy cô và mái trường?
Tất cả các ca khúc viết về thầy cô và mái trường luôn đồng hành với ngành giáo dục. Từ các lớp nhạc sĩ “tiền bối” cho đến bây giờ, chúng tôi đều gắn bó với ngành giáo dục và ít nhiều cũng tham gia giảng dạy. Đối với tôi, có quá nhiều tác phẩm hay viết về chủ đề này. Cá nhân tôi cũng luôn thích thú với các nhạc phẩm về thầy cô và mái trường. Đó là sự thành công có bề dày không thời, thời gian. Đó không chỉ là tài sản riêng của các nhạc sĩ mà gắn liền với công chúng, với ngành, được coi như tài sản của cả đất nước.
Những bài hát từ thời chúng tôi còn rất nhỏ như: Đi học, Bài ca người giáo viên nhân dân,…có giá trị lâu dài chứ không phải chỉ trong khoảng thời gian nhất định. Hay như bài hát “Cô nuôi dạy trẻ” rồi “Bụi phấn” của thầy viết bảng cũng đã đi sâu vào đời sống của chúng ta…
Đây cũng chính là niềm tự hào của ngành giáo dục bởi tình cảm yêu mến, trân trọng mà xã hội gửi gắm. Cũng từ đó, đã có rất nhiều các nhạc sĩ đã đạt giải thưởng lớn trong những sáng tác về thầy cô và mái trường.
Đây là động lực lớn để các thầy cô tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình, còn các nhạc sĩ có cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đến những người thầy dìu dắt mình trưởng thành. Những nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam có lẽ hầu hết đều có ít nhất 1 nhạc phẩm sáng tác về ngành giáo dục, vì vậy, đó cũng chính là sức mạnh trường tồn của các ca khúc viết về thầy cô và mái trường.
NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam sinh năm 1964. Ông tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Piano và Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội. Hiện là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, Thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc. Hiện, ông giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Từ 1983, ông tham gia biên soạn, phối khí và dàn dựng, chỉ huy nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc gia, Nhạc viện Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Đài Phát thanh và Truyền hình, và là cộng tác viên thường xuyên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, DIHAVINA và nhiều đơn vị nghệ thuật khác (biểu diễn tác phẩm mới, dàn dựng, thu thanh…).
Ông còn là thành viên sáng lập Ban nhạc “Hoa Sữa”, tham gia xây dựng nhiều chương trình biểu diễn có hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Ngoài ra, ông còn sáng tác ca khúc, khí nhạc và nhạc cho phim truyền hình, phim truyện, âm nhạc cho sân khấu.
Với những đóng góp của mình, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (2001) và Nghệ sĩ nhân dân (2015).