Màu da trắng hồng là đặc trưng của cá giọt nước, loài này có tên khoa học là Psychrolutes marcidus. Nhưng ngoài màu da ưa nhìn, những phần còn lại của loài cá này thực sự khiến người khác giật mình: khuôn mặt mập ú, các phần thịt trĩu xuống như người bị béo phì, kết hợp với chiếc mũi lớn và miệng chảy xệ, trông chú lúc nào cũng buồn bã.
Theo các nhà khoa học, ngoại hình của cá giọt nước như vậy để thích hợp với môi trường sống. Chúng được tìm thấy ở độ sâu từ 600 đến 1.200m – nơi có áp suất cao hơn mặt biển khoảng 118 lần – nên cấu tạo cơ thể cũng đặc biệt hơn.
Gần như toàn bộ thành phần cơ thể cá là gelatin nhão (chất nhẹ hơn nước), giúp cá trôi lơ lửng giữa đại dương mà không cần hoạt động nhiều. Cũng chính vì thế, bộ phận bong bóng nước (giúp cá nổi và bơi) lại bị tiêu biến. Ngoài ra, cá giọt nước cũng không hề có mô cơ nào.
Xấu xí là vậy nhưng cá giọt nước được xếp vào một trong những loài có tình mẫu tử cao. Sau khi đẻ hàng triệu trứng, loài cá này sẽ nằm ấp hàng tháng trời, cho tới khi con non chào đời. Trong thời gian đó, chúng chỉ nằm một chỗ, không làm bất cứ điều gì.
Thức ăn của cá giọt nước là cua và tôm. Mối đe dọa lớn nhất của chúng là mắc vào lưới kéo của các tàu đánh cá. Các nhà khoa học lo ngại chúng có thể trở thành loài nguy cấp vì phương pháp đánh bắt.