Bút Tháp cổ tự và chuyện kể về 4 bảo vật quốc gia - Kỳ 3: Tuyệt phẩm “Cối kinh” cửu phẩm liên hoa

GD&TĐ - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận thêm 3 bảo vật quốc gia tại chùa Bút Tháp: Bộ tượng Phật Tam thế, hương án và Tòa cửu phẩm liên hoa.

Chùa Bút Tháp – danh tích nổi tiếng với 4 bảo vật quốc gia.
Chùa Bút Tháp – danh tích nổi tiếng với 4 bảo vật quốc gia.

Tòa cửu phẩm đẹp nhất Việt Nam

Theo tài liệu Phật giáo, cửu phẩm liên hoa là một dạng tháp bằng gỗ, có trục chống đỡ và có thể quay được. Tháp ra đời vào khoảng thời Lý - Trần, tồn tại cùng với sự thịnh hành của pháp môn Tịnh Độ, chiếm một vị trí đặc biệt trong hệ thống kiến trúc và điêu khắc Việt Nam.

Cửu phẩm liên hoa có nghĩa là 9 tầng hoa sen tinh khiết hội chứa điều lành, cũng có thể hiểu là 9 phẩm chất khác nhau mà những bậc tu hành thuộc phái Tịnh Độ cần có để đạt đến sự toàn bích.

Theo quan niệm của Phật giáo, 9 tầng tháp còn biểu trưng cho 9 tầng trời, nơi giao thoa giữa các cõi trời - đất - niết bàn - vô thường.

Sự xuất hiện của cửu phẩm liên hoa được cho là bắt nguồn từ nghi thức hành hương và cầu nguyện của người xưa. Trên tay luôn cầm theo một vật đặc biệt để xoay khi hành lễ và niệm cầu.

Thế nên, người ta truyền rằng cứ quay một vòng tháp thì lời trì tụng sẽ được nhân lên thành 3.542.400 lần, để người niệm mau đạt tới chính quả.

Không chỉ xoay được, cửu phẩm liên hoa còn là một tuyệt phẩm toàn bích của nghệ thuật.
Không chỉ xoay được, cửu phẩm liên hoa còn là một tuyệt phẩm toàn bích của nghệ thuật.

Tòa cửu phẩm liên hoa tại chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh) là 1 trong 3 tòa tháp đẹp nhất của Việt Nam. Mang trên mình loạt bức họa chạm khắc đa dạng, hoàn hảo với giá trị mỹ thuật cao.

Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, cửu phẩm liên hoa tại chùa Bút Tháp được dựng từ thế kỉ 14, thời Thiền sư Huyền Quang. Tòa cửu phẩm liên hoa (còn được gọi Cối kinh) đặt chính giữa Tích thiện am - là kiến trúc đặc biệt nhất của chùa Bút Tháp.

Được kết cấu theo kiểu chồng diềm, với hàng cột ở giữa cao, to chạy suốt từ tầng 1 lên tầng 3, các vì kèo được làm theo kiểu chồng rường, những đầu đao của 3 tầng mái cong vút.

Tháp có bố cục 9 tầng cao 7,8 m được đỡ bởi các hàng chấn song con tiện. Cả 8 mặt đều được chạm những bức phù điêu tinh xảo liên quan tới tích nhà Phật: Điểu thụ diễn pháp, Thất trùng bảo thụ, Hoa tạng thế giới, Sa bà thế giới, Thất bảo liên trì, Thích ca thuyết pháp, Kim địa lạc hoa, Tín thụ tác lễ, Thượng hữu lâu các… tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn, thể hiện 9 kiếp tu của đức Phật.

Các bức chạm khắc được phân chia: Tầng một - Hoa tàng thế giới, Sa bà thế giới. Tầng hai - A-nan kết tập, Di Đà thuyết pháp. Tầng ba - Tín thụ tác lễ, Cực lạc thế giới. Tầng bốn - Thiền sư, Lục tổ. Tầng năm đến tầng tám – mỗi tầng 8 vị Phật, tổng cộng 32 vị. Tầng chín - 4 tượng Di-đà.

Qua hàng trăm năm, tháp vẫn có thể xoay được mà không phát ra âm thanh. Đây cũng là tòa cửu phẩm liên hoa được đánh giá là đẹp nhất trong 3 toà của Việt Nam.

Đỉnh cao nghệ thuật dân gian

Ngoài tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, bộ tượng Phật Tam thế cũng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Ngoài tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, bộ tượng Phật Tam thế cũng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Ba pho tượng Tam thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật A-di-đà chủ trì quá khứ, Phật Thích ca Mầu ni chủ trì hiện tại và Phật Di lặc chủ trì tương lai. Các nghệ nhân đã chú ý tạc tượng với khuôn mặt phúc hậu, thanh thoát song vẫn lộ vẻ sang quý.

Điều quý giá nhất có lẽ là mỗi một bức tượng thờ đều thấm đẫm tâm hồn Việt. Một trong những yếu tố góp phần làm giá trị nghệ thuật của pho tượng là hoa văn trang trí và mật ý nhằm truyền tải những khát vọng ngàn đời của người Việt.

Ba pho tượng có dáng ngồi theo tư thế nhập thiền trên tòa sen. Bên dưới là bệ tượng hình khối vuông, thắt ở giữa với kết cấu ước lệ ba tầng. Hình thức thể hiện dung dị, khoáng đạt. Những hoa văn ở bệ tượng, đài sen tuy có nét tương đồng với một số chùa, nhưng vẫn mang nét riêng và độc đáo so với thời trước và thời sau.

Hoa văn hình hoa cúc được bố cục cân đối trong ô chữ nhật. Tạo hình của bông hoa theo lối nhìn nghiêng dạng giống hoa cúc đại đóa, năm cánh to xòe như tia ánh sáng. Mô-tip hoa cúc bộ tượng Tam thế chùa Bút Tháp gần giống hoa trên bia đá ở chùa Ngô Xá (Nam Định).

Chầu vào bông hoa cúc từ hai bên là cặp rồng được chạm nổi, thân uốn mềm mại, ẩn hiện trong cụm vân mây, râu và bờm bay ngược về phía sau.

Có ý kiến cho rằng, hoa cúc mang tính dương, được ví như nguồn sáng hay mặt trời, kết hợp với đôi rồng chầu tạo thành ba hào từ dương, lập thành quẻ càn (trời), mô tả về tầng trên, hay cõi thiên giới. Với suy luận này, hoa cúc tượng trưng cho ánh sáng, và hơn nữa là sự liên tưởng về ánh sáng trí tuệ của đức Phật.

Các nhà nghiên cứu Phật giáo đồng ý kết luận, hoa văn trang trí bộ tượng Tam thế mang ý nghĩa về các lực lượng tự nhiên, phản ánh tục cầu mưa, cầu mùa, là khát vọng hằng xuyên của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Yếu tố dung dị, phóng khoáng của tâm thức bản địa đã Việt hóa những khuôn mẫu tôn giáo, tạo nên sự dung hội văn hóa trong ngôi chùa của người Việt.

Qua nghiên cứu, giải mã bí mật những hoa văn ở bệ tượng Tam thế chùa Bút Tháp đã chứng tỏ ngôn ngữ tạo hình giữ vai trò quan trọng trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Đồng thời khẳng định nghệ thuật thời Lê - Trịnh là đỉnh cao của nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Sự hoàn mỹ của các họa tiết thực vật mang tính tả thực cao, làm ta khó xác định tác phẩm nào thuộc về dân gian hay cung đình. Ở mỗi tác phẩm, cái nọ nâng đỡ cái kia, giăng mắc như mối tơ duyên tiền kiếp. Hồn thiêng của dân tộc tạo cho tác phẩm vẻ nhuận lành với mỹ cảm của người Việt. 

Tòa cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp là 1 trong 3 tòa của Việt Nam còn sót lại.
Tòa cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp là 1 trong 3 tòa của Việt Nam còn sót lại.

Tinh xảo hương án 400 năm

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Hương án chùa Bút Tháp vừa được công nhận bảo vật quốc gia có rất nhiều đồ án rồng kết hợp với nhau, và mỗi hình tượng rồng lại có một vẻ đẹp riêng vô cùng độc đáo.

Tại phía trước phần thân hương án có các ô hộc hình vuông được trang trí đồ án rồng cuộn nằm trong lá đề, bên ngoài có mây lửa bao quanh. Cũng tại phần thân này còn có ô hộc hình chữ L được chạm khắc hình ảnh 2 con rồng nằm dọc, nằm ngang. Lại có những hình rồng đang vận động, bám vào thân cột.

Ở những ô hộc hình chữ nhật còn lại là đồ án rồng vần vũ trong mây, mỗi con một vẻ. Dù thân ngắn, dài khác nhau, chúng đều có vảy, mây vờn và tia lửa phóng ra từ thân rồng. Phần thân hương án ở 2 cạnh và phía sau cũng có đồ án rồng cuộn lá đề, bên ngoài là mây lửa bao quanh và những góc cánh hoa.

Hương án chùa Bút Tháp vô cùng tinh xảo với đồ án hình rồng. Ảnh: Cục di sản văn hóa.
Hương án chùa Bút Tháp vô cùng tinh xảo với đồ án hình rồng. Ảnh: Cục di sản văn hóa.

Tại chân hương án, mỗi chân trụ có một hình rồng với đầy đủ đầu, thân, bàn chân trước của rồng. Rồng ở đây trong tư thế đang ngóc đầu, miệng ngậm ngọc báu, bờm và tia lửa khỏe khoắn, chân rồng có vảy và lộ ra các móng sắc nhọn. Các chi tiết đao lửa, mây cuốn nối từ đầu và thân rồng lan tiếp tới cạnh mặt trước, sau và hai bên hồi hương án.

Ở cạnh hồi này, có đồ án lưỡng long chầu mặt trời với hình rồng bay lượn, chân hương án có hổ phù. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc vừa có đồ án hổ phù lẫn lưỡng long chầu mặt trời là dạng thức đồ án kép, là sự kết hợp thần quyền và vương quyền.

Hồ sơ bảo vật quốc gia đánh giá nét độc đáo của hương án chùa Bút Tháp không chỉ nằm ở kích cỡ đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ, mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí.

Hương án chùa Bút Tháp là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng. Có thể nhận ra phong cách này nhờ họa tiết đặc trưng là những hình đao lửa, mây lửa. Đây là những họa tiết được coi là đại diện của nghệ thuật thời kỳ này. Tuy nhiên đạt đến độ tinh xảo như hương án chùa Bút Tháp thì không dễ gặp.

Nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán điều này do quá trình tạo tác, hương án được giám sát chặt chẽ từ những người công đức trong hoàng cung. Trong số đó, có hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (con gái chúa Trịnh Tráng và cũng là vợ vua Lê Thần Tông).

Ngoài tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, Tòa cửu phẩm liên hoa, bộ tượng Phật Tam thế, hương án là những hiện vật của chùa Bút Tháp được công nhận là bảo vật quốc gia. Bốn bảo vật hội tụ trong một cổ tự đã thu hút sự chú ý đặc biệt của đông đảo nhà nghiên cứu và du khách gần xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.