Cỗ quan tài lơ lửng trên không
Theo báo cáo của Bảo tàng Nam Kinh, lăng mộ này nằm dưới một cửa hầm kiên cố, phủ lớp phù sa dày 40cm, bên trong có một đường hầm dài 0.13m dẫn vào ba gian phòng thông nhau. Tổng chiều dài lăng là 7,03m. Các gian phòng đều có kiến trúc trần hình vòm, những viên gạch xanh lát so le nhau, trần cao 2,28m.
Khi đội khảo cổ của Bảo tàng Nam Kinh có mặt tại hiện trường, họ nhận thấy ngôi mộ này được bảo quản rất tốt, không có dấu hiệu của mộ tặc.
Các chuyên gia xác nhận ngôi mộ tồn tại từ thời Vĩnh Lạc nhà Minh (1403 - 1424), nghĩa là vào thời điểm khai quật đã khoảng 600 năm tuổi.
Khi bước chân vào khám phá lăng mộ, đội khảo cổ đã được một phen "thót tim" với những cảnh diễn ra bên trong khiến người gan dạ cũng phải rùng mình: Ở gian phòng cuối cùng của lăng mộ, một thứ ánh sáng mờ ảo phát ra không rõ từ đâu và ngay sau ngay ánh đèn là chiếc quan tài đang lơ lửng trên không trung.
Tất cả những người có mặt trong lăng đều kinh sợ trước cảnh tượng ấy, họ phải bình tĩnh trấn an nhau để tìm ra chân tướng của những điều huyền bí này.
Vì sao cỗ quan tài kia có thể bay lơ lửng và thứ ánh sáng nào có thể phát sáng suốt 600 qua? Hóa ra, câu trả lời lại vô cùng đơn giản.
Do ánh sáng mờ ảo bên trong lăng nên đội khảo cổ mới nhìn thấy quan tài lơ lửng trên không trung chứ thực tế cỗ quan tài dài 2,8m này đang được gắn vào bốn dây xích sắt nối vào bốn góc tường, mỗi dây dài 50m.
Phương pháp chôn cất này có liên quan đến phương pháp tu luyện trường sinh bất tử của Đạo giáo. Theo quan điểm của Đạo giáo, vạn vật đều có linh khí; khi ở trên cao, con người sẽ dễ hấp thụ linh khí của trời đất, tránh xa khí độc.
Chủ nhân ngôi mộ chắc hẳn là một tín đồ Đạo giáo nên đã quyết định treo cỗ quan tài trên không.
Đây là kiểu mai táng treo dây xích lần đầu tiên được tìm thấy, khác với kiểu quan tài treo của các dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam Trung Quốc - Kiểu chôn cất đóng cọc hòm quan tài trên những vách núi treo leo.
Lý giải về thứ ánh sáng le lói trong lăng mộ, ánh sáng này bắt nguồn từ một chiếc đèn dầu trong lăng.
Nhiều người cho rằng đây chính là "ngọn lửa bất diệt" giúp bảo vệ thi thể không phân hủy, ngọn lửa cháy sẽ tiêu thụ hết oxy trong ngôi mộ và ngăn chặn vi khuẩn tồn tại.
Tuy nhiên, thực tế ngọn lửa này không cháy xuyên suốt 600 năm mà chỉ bùng cháy khi đội khảo cổ bước vào. Theo Sohu, trên bấc đèn có chứa photpho với điểm bắt lửa rất thấp nên khi lăng được mở ra, không khí tràn vào photpho sẽ tự bốc cháy.
Đây là hiện tượng khoa học bình thường, không có gì huyền bí cả.
Danh tính chủ nhân ngôi mộ
Sau khi nghiên cứu kỹ văn bia được tìm thấy trong ngôi mộ, danh tính chủ mộ đã được xác định là một thái giám có tên Dương Khánh, sống trong cung dưới thời vua Minh Thành Tổ.
Vì chủ nhân lăng mộ chỉ là một vị thái giám nên không có quá nhiều vật tùy táng được tìm thấy, bên trong lăng chỉ có đồ gốm và những chiếc đèn dầu giúp dẫn dắt linh hồn người chết về thế giới bên kia.
Dưới thời nhà Minh, các thái giám nắm kha khá quyền lực trong tay và đảm đương nhiều chức vụ quan trọng bên cạnh hoàng đế.
Minh Thành Tổ còn là vị hoàng đế có tư tưởng cởi mở, trong thời trị vì, ông từng 7 lần phái nhà hàng hải Trịnh Hòa tới các nước Ba Tư, Ai Cập, Ấn Độ, Đông Nam Á, eo biển Mozambique... để thúc đẩy hoạt động ngoại thương và nâng cao hiểu biết về thế giới.
Những chuyến thám hiểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.
Một vài nhân vật đặc biệt trong triều đình thời điểm đó cũng được đi cùng Trịnh Hòa trong những chuyến du hành, trong đó có thái giám Dương Khánh. Chứng tỏ chủ nhân ngôi mộ là một vị quan rất quyền lực trong triều đình.
Mặc dù đã có nhiều ghi chép lịch sử về hành trình của Trịnh Hòa nhưng vẫn còn những thiết sót, và văn bia của thái giám Dương Khánh đã phần nào cung cấp thông tin chi tiết và giá trị về chuyến thám hiểm, như những khó khăn mà đoàn thám hiểm gặp phải.
Những thông tin còn giúp giải quyết nhiều một vấn đề lịch sử đã gây tranh cãi suốt 500 năm qua: Sử sách thời Minh có ghi lại chuyến đi thứ 6 của Trịnh Hòa đến phương Tây chỉ kéo dài 10 tháng, đây là điều không thể với các phương tiện giao thông thời kỳ đó nên gây ra tranh cãi dữ dội về tính chính xác của sách sử.
Nhiều học giả cho rằng, Trịnh Hòa đã gặp vấn đề trên đường đi nên phải quay lại mẫu quốc nhưng sự cố đó là gì thì không thể lý giải.
Tấm bia trong lăng mộ Dương Khánh đã cho biết chuyến tàu thám hiểm của Trịnh Hòa gặp giông bão nên phải quay về Trung Quốc, và thời gian của chuyến hành trình là hoàn toàn đúng.
Có thể khẳng định, lăng mộ của thám giám Dương Khánh chính là một tài liệu lịch sử quan trọng để nghiên cứu triều đại huy hoàng của nhà Minh.