Bước tiến mới trong quá trình nuôi cấy nội tạng của người ở lợn

GD&TĐ - Việc nuôi các cơ quan nội tạng ở lợn để cấy cho người đã trở nên có triển vọng thực tế hơn sau khi các nhà khoa học sử dụng việc chỉnh sửa gene tiên tiến để loại bỏ những virus gây hại từ DNA của động vật.  

Bước tiến mới trong quá trình nuôi cấy nội tạng của người ở lợn

Các loại virus nội sinh lợn có vật chất di truyền là RNA đã được gắn vĩnh viễn trong bộ gene của lợn nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể lây nhiễm sang tế bào của người – đặt ra một mối nguy hiểm tiềm tàng.

Sự tồn tại của loại virus này đã là một trở ngại lớn ngăn chặn sự phát triển của những con lợn biến đổi gene, nhằm cung cấp thận và các cơ quan khác để cấy cho người bệnh. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học, trở ngại này giờ đây có thể được loại bỏ.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ) và một công ty tư nhân đã sử dụng công nghệ điều chỉnh gene chính xác Grispr-Cas9 kết hợp với công nghệ sửa chữa gene để vô hiệu quá 100% virus trong một dòng tế bào của lợn. Những con lợn nhân bản từ  tế bào nguyên bào sợi đã không còn virus nữa.

Tiến sĩ Luhan Yang – đồng sáng lập và kiêm giám đốc khoa học tại công ty công nghệ sinh học eGenesis cho biết: “Đây là ấn phẩm đầu tiên báo cáo về việc tạo ra lợn không virus. Nghiên cứu này thể hiện tầm quan trọng của việc đảm bảo sự an toàn, không để xảy ra vấn đề lây nhiễm chéo virus”.

Giáo sư Ian McConnell của trường Đại học Cambridge nói rằng nghiên cứu trên là một “bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn. Việc cấy ghép thành công mô và các cơ quan từ động vật sang người đã là một trong những mục tiêu cho y học hiện đại trong 20 năm qua. Việc sử dụng an toàn các cơ quan của lợn như thận để cấy cho người cũng được xem là một phương pháp khắc phục tình trạng thiếu nội tạng phục vụ cấy ghép cho bệnh nhân”.

Theo Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ