Bước ngoặt quan trọng

GD&TĐ - Dù đã rời nhiệm sở nhiều năm, song cựu Tổng thống Obama vẫn có ảnh hưởng đáng kể đến các chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ và cử tri ủng hộ đảng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tiếng nói, hình ảnh của ông được kỳ vọng sẽ giúp đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

“Nước Mỹ đã sẵn sàng cho một chương mới, một câu chuyện tốt hơn. Chúng ta sẵn sàng chào đón Tổng thống Kamala Harris”, cựu Tổng thống Barack Obama tối 20/8 phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago và dành nhiều lời ca ngợi Phó Tổng thống Kamala Harris.

Vị tổng thống thứ 44 của Mỹ chia sẻ, bà Harris cho ông niềm hy vọng rất lớn.

“Kamala Harris đã dành cả cuộc đời mình để chiến đấu thay mặt cho những người cần tiếng nói. Bà Harris là người không sinh ra đã có đặc quyền, mà phải làm việc để có được những gì mình có. Bà ấy thực sự quan tâm đến những gì người khác đang trải qua, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần”, ông Obama nói.

Sự ủng hộ của ông Obama được coi là rất quan trọng với bà Harris trên chặng đường tranh cử. Bởi, dù đã rời chính trường từ năm 2017, cựu Tổng thống vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với các cử tri đảng Dân chủ. Việc ông Obama xuất hiện vào đêm thứ hai của đảng Dân chủ cũng đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút người ủng hộ đến sự kiện.

Theo Steve Kerrigan - Chủ tịch chi nhánh đảng Dân chủ tại bang Massachusetts, cựu Tổng thống Barack Obama đóng vai trò như “người giải thích chính” cho việc tại sao cử tri Mỹ cần ủng hộ bà Kamala Harris và ứng viên phó tổng thống Tim Walz.

Vai trò của ông Obama trong chiến dịch này tương tự như cựu Tổng thống Bill Clinton đối với ông vào năm 2012. “Người dân tin tưởng Bill Clinton. Vào năm 2012, họ tin ông ấy về nhiều vấn đề quan trọng, giống như cách họ tin Obama vào năm 2024”, ông Kerrigan chia sẻ.

Bà Harris trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử vào ngày 21/7 và công khai ủng hộ phó tướng của mình.

Trong chưa đầy một tháng, bà đã định vị là ứng viên cho sự thay đổi trong cuộc bầu cử mà nhiều cử tri muốn tìm kiếm người thay thế cho cả ông Biden và ông Trump. Ở tuổi 59, bà trẻ hơn ông Trump 19 tuổi và có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ nếu đắc cử.

Các bài phát biểu trong chiến dịch của bà Harris thường kéo dài không quá 30 phút, ngắn gọn hơn và tấn công Trump trực diện hơn nhiều so với ông Biden. Cuộc thăm dò dư luận của Đại học Monmouth công bố tuần trước cho thấy, 85% cử tri đảng Dân chủ tỏ ra nhiệt tình với cuộc bầu cử. Con số này tăng gần gấp đôi so với mức 46% hồi tháng 6. Trong khi đó, mức độ nhiệt thành của những người Cộng hòa vẫn duy trì ổn định ở mức 71% trong hai tháng qua.

Tuy còn những tranh cãi về khả năng bà Harris có thể giành được ủng hộ của nhóm cử tri trung dung, khi bà chưa thể kéo giảm được tỷ lệ ủng hộ của ông Trump trong những người Cộng hòa và Bảo thủ, nhưng với sự xuất hiện của cựu Tổng thống Obama, bà Harris sẽ có thêm nhiều lợi thế cũng như cơ hội chiến thắng.

Mối quan hệ Harris - Obama được gây dựng vào năm 2004, khi bà Harris tổ chức sự kiện gây quỹ tại California để giúp cho chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ông Obama. Ngay từ lúc ấy, bà Harris đã nhìn thấy điều gì đó đặc biệt ở Obama - một thứ sức mạnh đoàn kết và mới mẻ trong nền chính trị Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.