Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng của đơn vị này.
Lâu nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn được coi là một trong những “cánh chim đầu đàn” của giáo dục đại học. Việc Thủ tướng ban hành Quyết định chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là bước ngoặt lớn đối với đơn vị này, mà còn tạo động lực cho những trường đại học khác trên hành trình trở thành đại học. Trên cơ sở đó, chúng ta có niềm tin rằng, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều “kỳ hạm” của giáo dục đại học.
Hiện nay, có 3 loại cơ sở giáo dục đại học là: Đại học (University), học viện (Academy/Institute) và trường đại học (College). Theo quan niệm thông thường, tên gọi đại học chỉ dành cho các đại học đa lĩnh vực. Trước khi có Đại học Bách khoa Hà Nội, danh hiệu đại học mới được “điểm mặt, đặt tên” cho 5 cơ sở; trong đó có 2 đại học Quốc gia là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và 3 đại học vùng gồm: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng.
Cùng với cơ chế tự chủ đại học và xu thế phát triển giáo dục đại học theo hướng hội nhập quốc tế, đã đặt ra thách thức cũng như cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước phải lựa chọn và xây dựng những giải pháp đột phá trong thực hiện đổi mới giáo dục.
Thực tế, chúng ta có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học khác mang tính chất đa lĩnh vực, tiến tới có thể trở thành đại học. Một số trường đã và đang lên kế hoạch từng bước vươn lên thành đại học đa lĩnh vực. Khi đó, người học được thụ hưởng nhiều lợi ích và cơ sở giáo dục đại học sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu lớn. Trước mắt, trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, khẳng định vị thế trong nước và quốc tế.
Nói vậy, không có nghĩa chúng ta “chuyển thể” các trường đại học thành đại học bằng mọi giá. Sẽ không có bất kỳ chỉ tiêu hoặc mục tiêu về số lượng là phải đạt được bao nhiêu đại học trong một năm hay một giai đoạn. “Hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ khi nào các trường đại học bảo đảm điều kiện cần và đủ sẽ được xem xét để trở thành đại học. Điều này được cụ thể hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật này. Ngay cả khái niệm về đại học cũng được thể hiện rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật trên.
Khi trở thành đại học, quyền tự chủ không thể trao cho một cá nhân mà phải trao cho Hội đồng đại học. Ở đó, thành viên là những đại diện ưu tú nhất của cộng đồng xã hội. Hơn nữa, Hội đồng đại học là hội đồng quyền lực thật sự. Song, bên cạnh những nỗ lực từ nhà trường, về mặt thể chế Nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp. Từ đó, đón nhận những sứ mệnh cao hơn trước đà phát triển của đất nước.