Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Hướng dẫn cách tính điểm xét tuyển

GD&TĐ - Những năm trước đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tính điểm quy về thang điểm 10. Tuy nhiên, theo quy chế mới, năm nay các trường sẽ quy về thang điểm 30. Điều đó có nghĩa là cách tính điểm của các trường sẽ thay đổi.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Hướng dẫn cách tính điểm xét tuyển

Trước câu hỏi của nhiều phụ huynh và thí sinh về cách tính điểm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ biến động như thế nào? PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết:

Trước hết đối với các tổ hợp có môn chính, mà đa phần các tổ hợp xét tuyển cho các ngành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội coi môn Toán là môn chính.

Cách tính như sau: Kết quả môn Toán được nhân hệ số 2, cộng với môn thứ 2 và môn thứ 3 rồi nhân với 3 và chia cho 4, làm tròn điểm đến 0,25 theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sau đó, cộng với điểm ưu tiên theo khu vực hoặc điểm ưu tiên (nếu có). Tùy theo ngành, tùy theo tổ hợp xét tuyển có môn chính, cách tính điểm cũng sẽ được áp dụng như trên.

Về điểm chuẩn của năm nay, PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, rất khó để nói điểm chuẩn của các ngành năm nay có cao hơn năm trước hay không?!. Nhưng có một điều dễ nhận thấy đó là: Mặt bằng điểm năm nay cao hơn. Về mặt nguyên lý, khi mặt bằng điểm cao hơn, thì điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường cũng nhích lên và lên đến mức nào thì rất khó khẳng định.

PGS.TS Trần Văn Tớp: Về mặt nguyên lý, khi mặt bằng điểm cao hơn, thì điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường cũng nhích lên
 PGS.TS Trần Văn Tớp: Về mặt nguyên lý, khi mặt bằng điểm cao hơn, thì điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường cũng nhích lên

“Vì vậy thí sinh và phụ huynh nên xem xét trong một tương quan chung. Riêng đối với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng vào ngày 12/7 tới đây, thì muộn nhất là ngày 14/7 nhà trường sẽ công bố điểm điều kiện để nộp hồ sơ (tạm gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng của nhà trường). Lưu ý: Điểm nộp hồ sơ của trường sẽ khác nhau giữa nhóm ngành và các nhóm ngành khác nhau” - PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Tớp, về nguyên tắc khi các em đã lựa chọn ngành nghề rồi, thì nhà trường phải giữ để đảm bảo cơ cấu đào tạo của trường.

Tuy nhiên với những trường hợp đặc biệt xuất sắc. Chẳng hạn: Các em có điểm đầu vào cao nhưng khi chọn ngành nghề chưa thực sự chín và có mong muốn đổi nguyện vọng, thì có hai cách để làm việc này:

Thứ nhất: Các em có thể học song bằng. Các em có thể học theo hệ thống tín chỉ để lấy hai bằng theo nguyện vọng và hiển nhiên thời gian học sẽ kéo dài hơn 5 năm.

Thứ hai: Nếu điểm chuẩn của các em vượt xa với điểm chuẩn chung của ngành mà các em muốn chuyển sang học tập và đặc biệt là điểm tích lũy của năm thứ nhất phải đạt loại rất giỏi thì nhà trường cũng có thể xem xét và chấp nhận để đảm bảo cho các em được học, được theo đuổi nghề nghiệp mà mình yêu thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ