Bước đột phá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhu cầu sửa đổi Luật Đất đai của cả người dân và doanh nghiệp rất lớn...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV - sau khi được cho ý kiến tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân và các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương, 260 điều đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Khi Quốc hội xem xét dự thảo luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt, tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu nào phát biểu thêm cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất...

Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước; Là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.

Nhu cầu sửa đổi Luật Đất đai của cả người dân và doanh nghiệp rất lớn, để không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong thực tiễn, mà còn giảm thiểu rủi ro pháp lý cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật còn góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Thế nên, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có những điểm mới nổi bật như bảng giá đất được cập nhật hằng năm; về thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở; về cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai hay quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu và giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất - là bước đột phá về tư duy, góp phần gỡ những nút thắt lớn nhất trong quan hệ đất đai, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

Và khi Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013; đúng chủ trương, đường lối của Đảng - khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì vấn đề còn lại là Chính phủ cần bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống Buk-M3 xuất hiện tại chiến trường Ukraine.

Vũ khí chuyên săn lùng ATACMS, Storm Shadows

GD&TĐ - Theo kênh Tvzvezda, phiên bản mô-đun của tổ hợp đánh chặn Buk-M3 ra đời chuyên để săn lùng vũ khí phương Tây, trong đó có tên lửa ATACMS, Storm Shadows.
Vì sao Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine?

Vì sao Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine?

GD&TĐ - Những thành công mà quân đội Nga giành được là nhờ ba yếu tố, xuất phát từ cả những điểm mạnh của Nga và những yếu tố liên quan đến hạn chế của Ukraine.