Nhìn thẳng vào hạn chế
Thạc sĩ Dương Thị Duyên
Theo thạc sĩ Dương Thị Duyên – Phó Hiệu trưởng phụ trách cấp THPT Trường TH, THCS & THPT Chu Văn An - ĐH Tây Bắc (Trường Chu Văn An), sau khi tham gia khóa học ngắn hạn về “Quản trị, lãnh đạo và lập kế hoạch chiến lược tại trường ĐH” do Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Australia (Aus4Skills) tổ chức, cô Duyên cùng Ban giám hiệu quyết định thực hiện dự án nâng cao văn hóa chất lượng trong hoạt động chuyên môn của Trường Chu Văn An.
“Mục đích của dự án nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, GV trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để Trường Chu Văn An tiếp tục trở thành một địa chỉ đáng tin cậy trong việc lựa chọn trường học cho con em của phụ huynh trong tỉnh Sơn La; đồng thời thực hiện tốt hơn nữa công tác thực hành sư phạm cho sinh viên khoa Sư phạm của Trường ĐH Tây Bắc” – Cô Duyên chia sẻ.
3 bước thực hiện dự án
Sử dụng một số kiến thức đã học được trong khóa học về quản trị, quản lý, các kiến thức về sự thay đổi, khai thác sức mạnh nhóm…, bước đầu tiên, cô Dương Thị Duyên xây dựng bản mô tả từng vị trí việc làm trong công tác chuyên môn tại đơn vị, triển khai rõ ràng cụ thể đối với những GV kiêm nhiệm mới hàng năm được cử sang Trường Chu Văn An. Tiếp đó là xây dựng và phổ biến quy chế chuyên môn tới tất cả cán bộ, GV trong nhà trường.
Sau khi tạo dựng được “phần cứng”, cô Duyên cùng các lãnh đạo nhà trường tạo cơ chế để hình thành thói quen thực hiện nhiệm vụ một cách có chất lượng và hiệu quả. Một số biện pháp được sử dụng trong giai đoạn quan trọng này: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Tăng cường việc dự giờ, thăm lớp, đặc biệt là dự giờ thăm lớp đột xuất; Tăng cường việc lấy ý kiến phản hồi của HS về GV và có những thay đổi trong cách thức góp ý, trao đổi với GV để GV kịp thời điều chỉnh theo mong muốn và nhu cầu của HS trong giới hạn cho phép của GV…
Sau thời gian hơn 3 tháng, dự án đã thu được một số kết quả rất khả quan. Ý thức thực hiện nội quy, quy định, nền nếp và quy chế chuyên môn của GV cơ hữu và GV kiêm nhiệm của nhà trường ngày càng được nâng cao, số lượt vi phạm các quy định giảm dần qua hàng tuần. Cùng đó, kế hoạch từ ban chuyên môn chuyển xuống các bộ phận đã được triển khai đầy đủ đến các cán bộ, GV, thực hiện đúng tiến độ với chất lượng khá tốt. Điều đáng nói nhất chính là chất lượng giờ dạy của GV được nâng cao rõ rệt.
Động lực để GV thay đổi
Theo cô Dương Thị Duyên, để đánh giá chất lượng giờ dạy của GV, nhà trường sử dụng kênh thông tin chính là kết quả dự giờ, thăm lớp đột xuất, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm. Những kết quả sau dự giờ được ưu tiên sử dụng để xếp loại GV.
Thực hiện tự chủ của Trường Chu Văn An có lộ trình và được Trường ĐH Tây Bắc hỗ trợ về mọi mặt. Những việc phải làm và phải đạt được trong vấn đề tự chủ của nhà trường được xác định là minh bạch, rõ ràng, công khai về: Năng lực giáo dục của mỗi cán bộ, GV, người quản lý; tài chính, chương trình giáo dục.
Kênh thông tin thứ hai để đánh giá chất lương giờ dạy của GV là ý kiến phản hồi của HS về giờ dạy của GV. Hiện trong địa bàn tỉnh Sơn La duy nhất có Trường Chu Văn An triển khai hoạt động này. Khi thực hiện dự án, để tăng cường hiệu quả của việc lấy ý kiến này, cô Duyên đã đề xuất với BGH tăng việc lấy ý kiến HS từ 2 lần/năm lên 4 lần/năm. Cụ thể trong học kỳ 1 năm học 2018 - 2019, nhà trường đã tiến hành 2 lần lấy ý kiến phản hồi của HS. Lần thứ nhất sau khi tổng hợp, lãnh đạo Trường Chu Văn An tổ chức góp ý với một số GV có nhiều ý kiến phản hồi chưa tích cực. Sau đó, ban chuyên môn tiếp tục dự giờ, góp ý điều chỉnh phương pháp cho các GV này và không đánh giá xếp loại những giờ dự đó.
Từ chính những trải nghiệm của bản thân, cô Dương Thị Duyên nhận định động lực để GV Trường Chu Văn An không ngừng tìm tòi phát triển công tác chuyên môn chính là phản hồi của người học. Được biết trước khi công tác tại Trường Chu Văn An, cô Duyên là giảng viên ĐH. Chuyển sang môi trường làm việc mới ở bậc THPT, cô đã gặp một số khó khăn trong công tác giảng dạy.
Cô Duyên kể lại: “Lần lấy ý kiến đầu tiên của HS, tôi rất buồn khi kết quả không như mong đợi. Vì tự trọng nghề nghiệp, tôi tự nhủ bản thân phải tự điều chỉnh để lấy niềm tin của HS, của phụ huynh kỳ vọng gửi gắm con em. Và đến đợt lấy ý kiến HS lần 2 đã thấy có sự thay đổi. Chỉ cần tiến triển nhỏ thôi cũng sẽ là động lực để tôi và tất cả GV khác tiếp tục cố gắng”.
Đến thời điểm hiện tại, văn hóa chất lượng của Trường Chu Văn An có chiều hướng đi lên. Cô Dương Thị Duyên và các đồng nghiệp mong muốn chuẩn bị cho nhà trường những bước đi vững chắc, tạo dựng thương hiệu về đào tạo, dồi dào nguồn tuyển, khẳng định là đơn vị đặc biệt của Trường ĐH Tây Bắc tự tin tự chủ trong thời gian tới.