Bùng nổ thị trường thực phẩm sắp hết hạn

GD&TĐ - Thực phẩm sắp hết hạn, hay thường được gọi là thực phẩm cận date, vẫn còn hạn sử dụng nhưng không còn dài.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi tại Trung Quốc đang ngày càng dành sự quan tâm nhiều tới các loại thực phẩm sắp hết hạn thông qua những ứng dụng riêng cho các loại hàng hóa này, thúc đẩy sự bùng nổ của một ngành công nghiệp mới và góp phần giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm.

Thực phẩm sắp hết hạn, hay thường được gọi là thực phẩm cận date, vẫn còn hạn sử dụng nhưng không còn dài. Các siêu thị và nhà bán hàng thường bán những sản phẩm này với giá chiết khấu lớn hoặc giảm giá thấp nhất có thể. Chính điều này đang thu hút được cộng đồng những người tiêu dùng trẻ tuổi muốn tiết kiệm chi tiêu.

Những đổi mới trong ngành cũng giúp thị trường hàng sắp hết hạn sử dụng phát triển rộng rãi hơn. Nếu như trước kia, các sản phẩm cận date chỉ được bán tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, hiện nay chúng còn được bán trên nhiều nền tảng thương mại trực tuyến khác nhau. Bối cảnh này dẫn đến ra đời các doanh nghiệp độc quyền chuyên bán các mặt hàng sắp hết hạn sử dụng tại Trung Quốc.

Trong số này có các nền tảng đông người sử dụng như HotMaxx, HitGoo và Hema Fresh, trong đó giá các sản phẩm thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường do hạn sử dụng không còn dài. Lĩnh vực thực phẩm cận date cũng nhận được sự chú ý lớn từ nhiều người khi những người nổi tiếng trên mạng xã hội bày tỏ sự quan tâm tới những sản phẩm này.

Đáng chú ý có anh Liu Jiayong, một bác sĩ đến từ Bắc Kinh với hơn 500 nghìn người theo dõi trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, là người ủng hộ xu hướng tiêu dùng hàng cận date. Vị bác sĩ này nhận định những mặt hàng này vẫn tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Ngoài ra, chúng chưa hết hạn sử dụng nhưng lại có giá thành rẻ hơn và giúp ích cho môi trường.

Việc ra đời một thị trường riêng cho hàng sắp hết hạn sử dụng tại Trung Quốc được hoan nghênh vì có thể góp phần giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm tại nước này. Theo một báo cáo năm 2015 của Viện Khoa học Trung Quốc, hơn 35 triệu tấn thực phẩm, tương đương 6% tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc, đã bị thất thoát hoặc lãng phí hàng năm. Khoảng một nửa trong số này xảy ra tại đầu bán lẻ hoặc đầu tiêu dùng của chuỗi cung ứng.

Do đó, chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành một quy định riêng nhằm giải quyết vấn đề lãng phí lương thực từ tháng 4/2021. Các nhà hàng tại Trung Quốc cũng được yêu cầu xử lý thực phẩm còn thừa của mình theo hình thức bán thức ăn mang về, hoặc phục vụ các phần ăn có khẩu phần nhỏ hơn nhằm khuyến khích sử dụng hết những gì đã mua.

Những quy định trên đã dẫn đến sự bùng nổ của một thị trường mới chuyên về các sản phẩm sắp hết hạn tại Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Tổ chức iMedia Research Consulting, ngành công nghiệp thực phẩm sắp hết hạn tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ quy mô 5 tỷ USD vào năm 2021 lên 6,3 tỷ USD vào năm 2025. Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ được duy trì ở mức 6% cho tới hết năm 2025.

Trong năm 2021, Trung Quốc cũng ghi nhận số lượng các công ty đăng ký kinh doanh mới trong thị trường thực phẩm cận date gia tăng nhanh chóng. Từ mức chỉ 12 doanh nghiệp năm 2020, con số này đã tăng lên mức 68 trong năm 2021. Thêm vào đó, bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đang thúc đẩy ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hơn và tạo cơ hội cho thực phẩm sắp hết hạn sử dụng được đổ vào thị trường này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ