Thăng hạng là bắt buộc hay không bắt buộc?
Câu chuyện này nhiều lần cơ quan quản lý đã khẳng định, nhưng dường như nhiều người vẫn chưa hiểu thật thấu đáo. Chính phủ đã quy định việc thăng từ hạng thấp lên hạng cao hơn trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) (Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Điều 29). Viên chức đăng kí dự thăng hạng phải đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu một GV từ lúc bước chân vào nghề cho đến lúc nhận quyết định hưu trí, chỉ ở hạng CDNN thấp nhất cũng không sao. Nếu thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao và không vi phạm pháp luật, GV đó vẫn được hưởng đầy đủ tiền lương và các chính sách khác (nếu có). Điều này cũng đúng với tất cả các công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực chứ không chỉ riêng với GV.
Vậy việc cần làm của các GV là gì? Là đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn CDNN hạng hiện giữ. Trong thiết kế của cơ quan quản lý, các yêu cầu đối với hạng CDNN thấp nhất về cơ bản là những yêu cầu vừa sức, không làm khó đội ngũ. Riêng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN hạng thấp nhất, hiện nay do các Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN GV mầm non, phổ thông công lập của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ chưa sửa đổi nên chưa yêu cầu GV đang giữ hạng CDNN thấp nhất ở mỗi cấp học phải có chứng chỉ này.
Quy định trong Luật Viên chức tạo kẽ hở để nhiều trung tâm đào tạo lợi dụng đào tạo chứng chỉ. Ảnh: NT |
Đối với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và tin học, quy định trong các Thông tư hiện nay mới đang yêu cầu GV đảm bảo trình độ ở mức độ thấp, tiệm cận đối với chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
Những tình huống này gợi nhớ đến chuyện đóng giày cho vừa chân hay gọt chân cho vừa giày? Cơ quan hoạch định chính sách đương nhiên trong quá trình xây dựng chính sách luôn luôn phải hướng tới mục tiêu có được những chính sách phù hợp nhất với số đông đối tượng thụ hưởng trong một giai đoạn, thời điểm nhất định.
Nhưng chính sách cũng không phải là thứ bất biến, càng không thể kỳ vọng có một chính sách hoàn hảo, đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người, ở mọi giai đoạn. Thậm chí, ngay cả khi có chính sách phù hợp rồi, lại xảy ra trường hợp đối tượng thụ hưởng chính sách không muốn thực hiện chỉ vì đơn giản là họ ngại, không muốn thay đổi – đó cũng là khó khăn của người làm chính sách.
Cần có cái nhìn khách quan và sòng phẳng
Quay trở lại với câu chuyện thăng hạng của GV. Cần có cái nhìn thật khách quan và sòng phẳng về việc này. Nếu thực sự GV không có nhu cầu thăng hạng, hoặc không có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của hạng cao hơn thì nên lựa chọn ở hạng hiện giữ. Khi đó, GV chỉ cần đáp ứng đủ các yêu cầu của hạng đang giữ - điều này là bắt buộc vì đã được quy định trong Luật.
Bởi vì, Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm CDNN đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc “làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào CDNN tương ứng với vị trí việc làm đó” và “người được bổ nhiệm CDNN nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó”.
Cần có nhận thức đúng đắn về chứng chỉ và trình độ chuyên môn |
Còn trong trường hợp GV có nhu cầu thăng hạng lên hạng cao hơn, việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng cao hơn là đương nhiên. Bởi vì, được bổ nhiệm vào hạng cao hơn đồng nghĩa với việc GV được hưởng lợi về lương (ít hoặc nhiều phụ thuộc vào thời điểm được bổ nhiệm sớm hay muộn); được ghi nhận, khẳng định về vị thế, đẳng cấp nghề nghiệp…
Nhưng ngược lại, GV một mặt phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng cao hơn; đồng thời sau khi đã được bổ nhiệm phải thực hiện những nhiệm vụ cao và khó khăn hơn mà có thể khi ở hạng thấp hơn GV sẽ không phải làm. Để đáp ứng được các yêu cầu đó, mỗi GV cần có kế hoạch và lộ trình để hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Điều quan trọng nhất là nhận thức của GV
Năm 2015, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN GV mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, tại thời điểm các thông tư liên tịch nêu trên có hiệu lực, liên Bộ đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện chuyển xếp ngay từ các ngạch GV hiện hành sang hạng chức danh nghề tương ứng mà không đòi hỏi tất cả các điều kiện kèm theo. Các văn bản cũng đã quy định rõ “cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của CDNN GV được bổ nhiệm”.
Cho đến nay, sau gần 5 năm triển khai thực hiện các thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN GV mầm non, phổ thông công lập, vẫn còn khá nhiều GV được bổ nhiệm và hưởng lương ở các hạng CDNN nhưng chưa hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu theo quy định.
Điều này một phần có trách nhiệm của các địa phương. Bởi về lý, ngay khi các Thông tư liên tịch có hiệu lực, địa phương cần thực hiện đồng thời 2 việc: Chuyển toàn bộ đội ngũ GV hiện có từ ngạch sang hạng và bổ nhiệm, xếp lương cho GV theo các hạng tương ứng; xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định và tạo điều kiện cho GV có đủ thời gian để đáp ứng tiêu chuẩn CDNN. Nhiều địa phương, thậm chí đến 3 năm sau khi các Thông tư liên tịch có hiệu lực mới hoàn thiện việc chuyển xếp và bổ nhiệm GV vào hạng, cũng không hề có kế hoạch, lộ trình và hướng dẫn GV phải hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu.
Cho nên mới có chuyện nhiều GV bức xúc gửi đơn thư phản ánh đến nhiều nơi về việc tại sao họ đã được chuyển xếp và bổ nhiệm vào hạng rồi, vẫn cần phải đi học bồi dưỡng, phải có chứng chỉ…
Điều quan trọng nhất trong câu chuyện về tiêu chuẩn CDNN và thăng hạng CDNN chính là nhận thức của GV. Cần phải hiểu đúng, hiểu đủ về các nội dung liên quan. Trong đó, vấn đề cốt yếu cần phải xác định rất rõ là, chuẩn hóa là yêu cầu bắt buộc, dù GV có thích hay không thích. Còn nâng chuẩn, hướng tới việc thăng lên các hạng CDNN cao hơn là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, tùy vào điều kiện, năng lực, nguyện vọng của bản thân. Mong muốn cao thì phải chấp nhận học hành, rèn luyện, tích lũy và ngược lại; không thể có trường hợp khác.