Đây là công trình tuổi trẻ được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh để giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con người vùng “đất thép”.
Dấu ấn “đường tranh bích họa”
Gần một tháng nay, người dân huyện Vĩnh Linh mỗi khi đi qua Trường Tiểu học Kim Đồng đều cảm thấy ấn tượng với “đường tranh bích họa” đa sắc màu và rất ý nghĩa. Trường Tiểu học Kim Đồng nằm ở trung tâm thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh nên những bức tường tranh càng trở nên nổi bật, thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, check-in. Nhà trường dự kiến tổ chức các tiết học ngoại khóa để giúp học sinh hiểu thêm về lịch sử địa phương.
Dãy tranh tường do Huyện đoàn Vĩnh Linh (Quảng Trị) phối hợp Huyện đoàn Tân Kỳ (Nghệ An) cùng các đơn vị liên quan thực hiện. Bức tường hai bên cổng trường được 32 bức bích họa điểm tô với những nội dung về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, con người vùng “đất thép” Vĩnh Linh và huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được các đoàn viên, thanh niên, giáo viên vẽ lên để thay thế cho bức tường cũ kỹ, đơn điệu trước đây.
Anh Lê Minh Thái, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh cho biết, đây là công trình của tuổi trẻ huyện Vĩnh Linh và đơn vị kết nghĩa là Huyện đoàn Tân Kỳ thực hiện khoảng một tháng trước, để chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống huyện Vĩnh Linh. Để hoàn thành 32 bức bích họa này, các đoàn viên, thanh niên tại địa phương, các cô giáo Trường Tiểu học Kim Đồng phải mất thời gian hơn 1 tháng.
Theo anh Lê Minh Thái, đơn vị lựa chọn thực hiện bức tường tranh ở Trường Tiểu học Kim Đồng do trường nằm ở khu vực trung tâm của huyện, gần với 4 trường học khác. Tranh vẽ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nét văn hóa vùng miền... để sau này các trường học có thể tổ chức các hoạt động tham quan, giáo dục cho học sinh và thanh, thiếu nhi. Đây cũng là nơi để cán bộ, nhân dân các nơi đến tham quan, tìm hiểu để biết thêm về văn hóa, lịch sử địa phương.
“Thông qua đây, chúng tôi muốn gửi gắm các giá trị văn hóa, lịch sử về mảnh đất và con người Vĩnh Linh - Tân Kỳ đến với du khách và bạn bè gần xa, cùng các thế hệ học sinh sau này. Thời gian qua, nhiều người dân và học sinh tham quan tại đường tranh tỏ ra thích thú và hào hứng”, anh Lê Minh Thái cho biết.
Đến tham quan đường tranh, anh Võ Văn Tài - người dân huyện Cam Lộ cho biết, bức tường tranh được vẽ ở hai bên cổng trường đã phát huy ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với học sinh. Qua đó, giúp các em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của quân và dân trên quê hương vùng “đất thép”.
Hơn nữa, đường tranh cũng là cách để truyền thông, giới thiệu về văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa phương. Khi người dân các địa phương khác đến xem đường tranh có thể hiểu được phần nào về văn hóa, lịch sử vùng đất mà mình đã đặt chân đến.
Thêm nhiều trải nghiệm bổ ích
Ngắm nghía đường tranh, Nguyễn Quỳnh Chi (học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Kim Đồng) hào hứng chia sẻ: “Bước vào năm học mới, em và các bạn đều thích thú khi nhìn thấy những bức tranh sinh động, rực rỡ được vẽ ở dãy tường hai bên cổng trường. Mỗi ngày quan sát một bức tranh cũng giúp chúng em hiểu thêm về văn hóa, di tích lịch sử và các địa danh ở quê hương mình.
Ở nhà em được ba mẹ kể lại câu chuyện các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đất nước. Đến trường, khi được cô giáo giới thiệu nội dung về các bức tranh thì em càng cảm thấy tự hào và yêu quê hương Vĩnh Linh của mình hơn”.
Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ, tuyến đường tranh không chỉ mang lại diện mạo mới cho nhà trường, giúp cổng trường trở nên đẹp hơn, ý nghĩa và đa sắc màu, mà còn góp phần đem lại cho các em học sinh những tiết học ngoại khóa bổ ích.
Cô Phương cho biết, tới đây ngoài những buổi học trên lớp, các học sinh sẽ được cô giáo cho tham quan tại tuyến đường tranh. Tại đó, các cô sẽ giới thiệu nội dung của các bức tranh gắn với lịch sử, văn hóa của ông cha ta lúc trước. Các em sẽ hiểu thêm về những cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ quê hương hay hành trình lịch sử K8 đưa các học sinh sơ tán ra miền Bắc...
“Trước đây bức tường bao quanh khuôn viên nhà trường chỉ có đôi màu đơn điệu, nhưng nay, nhờ sự chung tay góp sức và sự sáng tạo của các đoàn viên thanh niên, nhà trường đã rực rỡ sắc màu với nhiều bức bích họa sinh động, học sinh được tiếp cận với những nội dung rất thiết thực và ý nghĩa”, cô Phương tâm sự.
Ngày nay, du khách khi đến tham quan tại “đất lửa” Vĩnh Linh, bên cạnh những di tích lịch sử nổi tiếng như: Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, di tích Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, cũng có thể ghé thăm đường tranh bích họa ở Trường Tiểu học Kim Đồng. Bức tường tranh lưu giữ những hình ảnh bao quát về một Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung đầy hào hùng.
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Những năm sau đó, Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Giai đoạn 1965 - 1967, quân đối phương tăng cường đánh phá miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa, nơi đối đầu khốc liệt giữa lực lượng của ta và địch.
Cuộc chiến ác liệt, trong hai năm 1966 - 1967, Trung ương Đảng quyết định triển khai kế hoạch K8, K10 nhằm đưa hàng vạn người già, phụ nữ, trẻ em ở Quảng Trị ra sơ tán tại 26 huyện thuộc 9 tỉnh miền Bắc. Trong đó, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là nơi đã cưu mang hơn 3 vạn người con của Vĩnh Linh, nhiều nhất lúc đó. Chiến tranh kết thúc, 2 địa phương vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết, kết nghĩa đến ngày nay.