Bức tranh xã hội học tập tại châu Á

GD&TĐ - Những năm qua, các quốc gia châu Á đã đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập và nhận thức về học tập suốt đời trong bối cảnh già hóa dân số.

Trong lớp học tập suốt đời, học viên cùng nhau chia sẻ vấn đề gặp phải tại nơi làm việc.
Trong lớp học tập suốt đời, học viên cùng nhau chia sẻ vấn đề gặp phải tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, do quan điểm chú trọng bằng cấp tại phương Đông, việc thực hiện xã hội học tập còn gặp nhiều khó khăn.

Sinh viên với mái tóc hoa râm

Một lớp học dành cho người trưởng thành tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Một lớp học dành cho người trưởng thành tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Các lớp học tập suốt đời hoạt động giống như những nhóm hỗ trợ. Trong lớp, các học viên cùng nhau chia sẻ vấn đề thực tế gặp phải ở nơi làm việc và trao đổi kinh nghiệm, kiến thức từ các ngành nghề khác để học hỏi những kỹ năng mới. Đặc biệt, họ nhận ra những khó khăn mà bản thân gặp phải là chuyện phổ biến nên rất thoải mái chia sẻ chứ không e ngại, rụt rè so với những người học trẻ tuổi hơn.

Trong lớp Kỹ năng kinh doanh giao tiếp tại Đại học Quốc gia Singapore, Singapore, sinh viên có mái tóc màu hoa râm. Học viên trong lớp của cô giáo Norhayati Ismail không phải sinh viên thông thường, mà là những người trưởng thành, đã đi làm, đang theo đuổi các lớp học tập suốt đời.

Mỗi người mang theo một chiếc cặp đựng tài liệu công việc và không mấy ai bận tâm đến điểm số. Họ cũng không dành cả tuần trên trường học mà chỉ 2 ngày mỗi tuần. Mỗi ngày học 6 tiếng. Sau đó, họ trở về nhà và chăm sóc con cái. Những hôm không lên lớp, họ đến công ty làm việc.

Trong những năm qua, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời là xu thế tất yếu, là mục tiêu mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới. Nhưng tại Singapore, câu chuyện này càng cấp thiết hơn hết.

Với diện tích khoảng 700 km2, Singapore là quốc đảo có mật độ dân số thuộc hàng cao nhất thế giới với 5,4 triệu người. Ông Gan Chee Lip, Phó Giám đốc Giáo dục đại học, Đại học Công nghệ Nanyang, nhìn nhận: “Trong nhiều thập kỷ, Singapore đã phát triển vượt bậc nhưng không phải nhờ tài nguyên thiên nhiên mà nhờ con người. Đó là lý do vì sao Singapore là một trong những quốc gia đi đầu thực hiện việc học tập suốt đời”.

Các chuyên gia giáo dục Singapore nhận thấy, khi các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT phát triển đã đặt ra câu hỏi về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực, nhu cầu nâng cao kỹ năng và đào tạo lại cho người lao động. Điều này nhằm đảm bảo giữ chân họ trong môi trường làm việc cạnh tranh và không bị tước mất cơ hội việc làm vào tay công nghệ cao.

Từ năm 2014, Chính phủ Singapore đã giới thiệu chương trình SkillsFuture nhằm cung cấp cho người dân nước này cơ hội để phát triển tiềm năng trong suốt cuộc đời.

Với phương châm “phát triển con người”, SkillsFuture trao cho mỗi công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên một khoản tín dụng trị giá 500 SGD (khoảng 8,6 triệu đồng) để họ chi tiêu cho giáo dục hoặc đào tạo nâng cao. Người dân có thể sử dụng số tiền này để đăng ký các khóa học kỹ năng mới hoặc đào tạo lại kỹ năng đã có.

Theo ông Gan Chee Lip, mục tiêu của SkillsFuture là nắm bắt các cơ hội đào tạo càng sớm càng tốt. Ý tưởng về việc học tập suốt đời không bắt đầu sau khi người trẻ tốt nghiệp mà được phổ cập khi họ còn là học sinh và làm sao để duy trì tư duy đó hết cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp, người trẻ không nên đợi đến khi máy móc thay thế họ rồi mới trau dồi kỹ năng mà cần học cách để bản thân không bao giờ lỗi thời.

Tại Đại học Công nghệ Nanyang, để đạt được mục tiêu trên, nhà trường khuyến khích cựu sinh viên trở lại học tập, tham gia các kỳ sát hạch hàng năm để liên tục đánh giá khả năng của bản thân. Đối với họ, học tập và thi cử giống với việc kiểm tra nha sĩ định kỳ hàng năm.

Ngoài ra, học viên có thể đăng ký học mô-đun để lấy bằng. Đây là mô hình người học học theo tốc độ riêng của họ, không bị giới hạn thời gian hoàn thành chương trình học. Sau khi tích luỹ 15 mô-đun, học viên có thể nhận chứng chỉ tương ứng.

Nằm cách Đại học Công nghệ Nanyang 20 phút đi xe là Đại học Quốc gia Singapore, nơi học tập suốt đời đã trở thành mô hình đào tạo song song với đào tạo cử nhân và cao học. Thậm chí, nhà trường có đội ngũ giảng viên dành riêng cho việc giảng dạy suốt đời.

Giáo sư Jonathan Sim, giảng viên môn Tính toán và Triết học là một người trong số đó. Việc dạy học theo mô hình học tập suốt đời giúp thầy giáo duy trì sự tự tin và nhận thấy nhiều khác biệt thú vị giữa sinh viên và học viên học tập suốt đời.

Thầy Jonathan cho biết, khác với sinh viên đại học lắng nghe và tiếp nhận kiến thức bị động, học viên học tập suốt đời thường đặt câu hỏi ngược lại cho giáo viên. Các câu hỏi mang tính ứng dụng cao trong thực tế.

Ví dụ, khi giảng viên đặt ra một tình huống giả định trong công việc, một số người sẽ phản đối thực hành vì cho rằng nhiệm vụ này sẽ không giúp đạt được hiệu suất công việc trong thực tế.

Những phản hồi này giúp giảng viên có thêm thông tin về công việc trong thế giới thực so với lý thuyết trong sách vở. Bản thân giảng viên cũng trở thành một người được học.

Tương tự, giảng viên Norhayati Ismail miêu tả: Với sinh viên, giảng viên là người cố vấn, người chia sẻ kinh nghiệm cũng như truyền đạt kiến thức. Nhưng với học viên học tập suốt đời thì khác.

“Khi dạy những học viên trưởng thành, tôi thấy mình giống huấn luyện viên nhiều hơn. Cách tiếp cận của tôi là cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề và nó mang lại tính hợp tác cùng hiệu quả cao”, cô Ismail chia sẻ.

Xây dựng xã hội học tập

Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành quốc gia dựa trên giáo dục.

Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành quốc gia dựa trên giáo dục.

Những năm qua, Trung Quốc đi đầu trong chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi xanh. Đến năm 2030, ước tính 30% lực lượng lao động ở Trung Quốc có thể phải thay đổi công việc do công nghệ can thiệp và làm thay phần của con người.

Để giúp người dân duy trì công việc hiệu quả, từ năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đào tạo nghề suốt đời và coi đây là một trong những chính sách ưu tiên quốc gia. Năm 2022, Luật Giáo dục Nghề nghiệp được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để khuyến khích và hỗ trợ phát triển các kỹ năng suốt đời cho tất cả mọi người.

Cùng năm, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo thành lập trường đại học dành cho người già nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số và xây dựng xã hội học tập suốt đời. Trường dành cho “sinh viên” từ 60 tuổi trở lên với chương trình đào tạo trải rộng từ ngoại ngữ, kỹ năng máy tính, âm nhạc, khiêu vũ cho đến nhiếp ảnh, hội họa, thể thao...

Trường được thành lập trong bối cảnh Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc ước tính, nước này có hơn 76 nghìn trung tâm giáo dục dành cho người cao tuổi với hơn 14 triệu người đăng ký.

Điều đó cho thấy người cao tuổi hiện nay có thể chất tốt hơn, tuổi thọ kéo dài và có mong muốn tiếp tục được học tập và cống hiến cho xã hội. Mô hình học tập dành cho người lớn tuổi cũng có thể trở thành hình mẫu, động lực để thanh, thiếu niên hay người trưởng thành tiếp tục rèn luyện, phấn đấu sau khi rời ghế nhà trường.

Nhật Bản, quốc gia có tốc độ già hóa dân số cao, đã và đang thực hiện mục tiêu trở thành xã hội học tập, một quốc gia dựa trên giáo dục. Việc xây dựng xã hội học tập ở Nhật Bản nhằm đáp ứng 4 yêu cầu cụ thể gồm cập nhật kiến thức, kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội; khắc phục các tác động tiêu cực của một xã hội vị văn bằng; khắc phục sự phân rã giáo dục tức là tình trạng mất đi sự liên kết cần thiết giữa ba môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và cộng đồng; đáp ứng các yêu cầu học tập của một xã hội già hóa.

Không chỉ ngành Giáo dục Nhật Bản thực hiện mục tiêu trên mà các cơ quan chức năng, ban ngành đều chung tay đóng góp. Đơn cử, Bộ Kinh tế và Công Thương xây dựng các chương trình nâng cao hiểu biết cho người dân về công nghệ; Bộ Môi trường triển khai chương trình về giáo dục môi trường, sinh hoạt câu lạc bộ về môi trường...

Nhận thức hạn chế về học tập suốt đời

Xây dựng xã hội học tập là ưu tiên tại Singapore.

Xây dựng xã hội học tập là ưu tiên tại Singapore.

Nhìn chung, những năm qua, nhận thức về học tập suốt đời tại nhiều quốc gia châu Á đã được nâng cao nhưng việc triển khai xây dựng xã hội học tập vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, ngay cả ở những quốc gia đi đầu như Singapore.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận thấy xây dựng xã hội học tập không phải điều thu hút học viên trong độ tuổi lao động và việc lôi kéo học viên trong giai đoạn đầu và giữa sự nghiệp tham gia học tập là khó khăn. Thông thường, những người quan tâm đến việc học tập suốt đời có thâm niên làm việc nhiều năm, sắp hoặc đã về hưu.

Đơn cử, trong lớp học của GS Jonathan Sim, học viên có độ tuổi trải dài từ 20 đến 70, song số lượng học viên đã về hưu chiếm tỷ lệ cao hơn. Các khóa học phối hợp tổ chức với hội người cao tuổi cũng nhận được số lượng đơn đăng ký nhiều hơn, tỷ lệ cạnh tranh cao hơn.

Ngoài ra, tại Singapore cũng như nhiều quốc gia châu Á khác vẫn duy trì quan niệm học tập đi đôi với bằng cấp. Do đó, việc tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc để lấy chứng chỉ không cấp bằng vẫn khó được người dân ủng hộ. Hay tại Nhật Bản, xã hội vẫn coi trọng giáo dục chính quy và coi nhẹ giáo dục thường xuyên.

Để tháo gỡ phần nào các thách thức, năm 2018, Đại học Quốc gia Singapore thông báo tất cả sinh viên tốt nghiệp vẫn được phép theo học tại trường trong ít nhất 20 năm tới.

Điều này đồng nghĩa sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện tham gia khoảng 700 khóa học giáo dục thường xuyên do trường tổ chức mà không cần xét tuyển. Điều kiện học tập rộng mở đã thu hút khoảng 300.000 cựu sinh viên trở lại học tập. Nhiều người nhận được trợ cấp từ trường hoặc học bổng của chính phủ.

Chủ tịch Đại học Quốc gia Singapore Tan Eng Chye cho biết: “Sẽ mất thời gian để xây dựng tư duy học tập suốt đời cho toàn xã hội nhưng đã đến lúc các trường đại học ở Singapore và các quốc gia khác đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về học tập suốt đời. Các tổ chức giáo dục cần phải điều chỉnh, làm cho khóa học trở nên dễ tiếp cận hơn và sáng tạo các phương thức giảng dạy phù hợp với nhu cầu của người học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.