Bức tranh sau bầu cử

GD&TĐ - Càng đến gần ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, các ứng viên hàng đầu càng ráo riết tung ra những cam kết nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Càng đến gần ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, các ứng viên hàng đầu càng ráo riết tung ra những cam kết nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri, qua đó phác họa chính trị quốc gia sau sự kiện lịch sử này.

Trong một tuyên bố gây tranh cãi như thường thấy, ngày 12/3, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump cho biết một trong những hành động đầu tiên của ông nếu chiến thắng là sẽ là đóng cửa biên giới và trả tự do cho những người đang ngồi tù vì tham gia vụ bạo loạn Điện Capitol năm 2021.

Với tuyên bố được đưa trên mạng xã hội Truth Social này, ông Trump đã nhắc đến một trong những sự kiện được coi là “nỗi ô nhục” của nền dân chủ Mỹ khi đám đông biểu tình ủng hộ ông xông vào Tòa nhà Quốc hội (Điện Capitol) ngày 6/1/2021 làm loạn để phản đối kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden.

Nhóm người bạo loạn đã chiếm giữ tòa nhà quan trọng nhất nước Mỹ trong vài tiếng và khiến 5 người thiệt mạng. Có gần 500 người đã bị kết án tù vì tham gia vào cuộc bạo loạn này. Trong cuộc vận động để tái tranh cử năm nay, ông Trump đã liên tục nhắc đến lời kêu gọi trả tự do cho những người tham gia bạo loạn năm 2021 mà ông gọi là “các con tin vụ 6/1”.

Bất chấp những tranh cãi và cáo buộc pháp lý, ông Donald Trump gần như sẽ là ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới để đối đấu với đương kim Tổng thổng Joe Biden của đảng Dân chủ. Do đó nhiều chính trị gia thế giới đang bắt đầu đưa ra những bình luận về tương lai chính trị của nước Mỹ với giả định ông Trump quay trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hồi đầu tuần này cho rằng, ông Trump sẽ không tiếp tục cung cấp viện trợ khổng lồ về quân sự và tài chính cho Ukraine nếu trở lại làm Tổng thống Mỹ. Theo người đứng đầu chính phủ Hungary, viễn cảnh này sẽ khiến Ukraine không thể đứng vững trong cuộc xung đột với Nga và cuộc chiến khi đó sẽ kết thúc.

Bản thân ông Trump cũng nhiều lần tuyên bố sẽ ngay lập tức chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine nếu tái đắc cử. Ông khẳng định mình biết rõ Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky nên có thể đưa họ vào bàn đàm phán nhanh chóng. Thậm chí ông khẳng định cuộc chiến này sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông còn làm Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Joe Biden hôm 12/3 cũng công bố tầm nhìn chính sách cho nhiệm kỳ thứ hai nếu ông tái đắc cử. Đề xuất ngân sách của ông cho năm tài chính 2025 là 7.300 tỷ USD, trong đó tăng thuế đối với các tập đoàn và người có thu nhập cao để cắt giảm thâm hụt ngân sách và chi trả cho các chương trình mới nhằm hỗ trợ những người thu nhập thấp hơn trong xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách sắp tới của ông Biden còn nhắm tới tài trợ cho các chương trình chăm sóc trẻ em, xây nhà và cung cấp thêm thời gian nghỉ phép cho người lao động. Trong Thông điệp Liên bang trước đó, ông Biden cũng nhấn mạnh vào khả năng điều hành nền kinh tế Mỹ của mình và phản đối quan điểm ủng hộ các tập đoàn lớn và người giàu có của ứng viên Donald Trump.

Với những quan điểm trái ngược nhau khi tranh cử hiện nay, việc ai là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ định hình bức tranh chính trị những năm tới của nước này một cách rõ ràng, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến các vấn đề toàn cầu hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ