Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, những ngày “hè đỏ lửa” lại ùa về trong ký ức nhà báo lão thành.
Kỷ niệm bi tráng
“Lịch sử mấy ngàn trang giông bão/Máu nhân dân tưới đẫm từng dòng/Mỗi thanh gươm một đường cày hy vọng/Hạnh phúc gieo trên mỗi mảnh đất cằn”, nhà báo Trần Mai Hưởng bắt đầu câu chuyện về những ngày hè đỏ lửa bằng những câu thơ trích trong bài “Nhân dân”. Trở về từ nơi “bom rơi, lửa đạn”, ông luôn tự nhủ phải sống sao cho ý nghĩa, trọn vẹn nghĩa tình và sống cho cả những người đã ngã xuống vì non sông, đất nước.
Nhà báo Trần Mai Hưởng chậm rãi kể, cuối năm 1971, ông được điều động vào mặt trận Quảng Trị. Tại đây, ông có những bài báo đầu tiên với tư cách phóng viên chiến trường. Những ngày đầu năm 1972, lần đầu vào giới tuyến, bên dòng Bến Hải, ông vẫn nhớ như in cây cầu Hiền Lương có vết sơn trắng hằn ngang - ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước.
“Vậy mà, để xóa lằn ranh ấy, hàng triệu người con đất Việt đã đổ máu”, nhà báo Trần Mai Hưởng ngậm ngùi nói.
Trong những năm bom đạn, ký ức mà nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam không thể nào quên về nữ du kích Thu Hồng. Cô “ngã xuống” khi chưa tròn 20 tuổi sau vài tuần ông chụp ảnh chân dung cho cô. Rồi nữ du kích Hoàng Thị Chẩm bám trụ trên vành đai. Một mình chị đã phục kích, bắn súng trường hạ nhiều tên địch.
“Tôi đã viết bút ký ‘Sức sống vành đai’ về nữ du kích này”, nhà báo Trần Mai Hưởng kể và không khỏi xót xa khi nhớ về một đồng nghiệp là phóng viên ảnh, gặp trên đường hành quân, anh còn mặc nguyên chiếc áo có mùi nước tiểu của con trai 3 tuổi cho đỡ nhớ. Rồi người đồng nghiệp ấy cũng về với “đất mẹ” ngay những ngày đầu chiến dịch.
Cho đến giờ, khoảnh khắc vào Huế, Đà Nẵng ngày đầu tiên giải phóng và hình ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập” trưa 30/4/1975 vẫn in đậm trong tâm trí của nhà báo Trần Mai Hưởng.
Ông kể, chiều 29/4/1975, Quân đoàn 2 tổ chức mũi tấn công thọc sâu vào thành phố. Tổ phóng viên được phép đi cùng. Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại: “Chúng tôi tưởng sẽ vào Sài Gòn ngay trong đêm. Tuy nhiên, do tình hình thực tế nên tất cả phải ngủ lại bên bờ sông Buông để sáng hôm sau vượt sông Đồng Nai vào thành phố. Tôi vẫn nhớ, khi ô tô qua cầu trên sông Sài Gòn, phía dưới còn rất nhiều tàu địch tháo chạy ra biển”, nhà báo Trần Mai Hưởng cho hay.

Bức ảnh để đời
Bức ảnh ông chụp chiếc xe tăng mang số hiệu 846 của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 đã trở thành biểu tượng của thời khắc lịch sử, kết thúc hành trình dài nhiều hy sinh, gian khổ trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc.
Bức ảnh sau này được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng của mùa Xuân 1975 lịch sử.
“Trong chiến tranh ác liệt, giữa lằn ranh sống chết, con người bộc lộ rõ nhất những phẩm chất của mình. Đối với phóng viên chiến trường như chúng tôi, vấn đề không chỉ là gian khổ, hy sinh, mà còn cả những thách thức phải vượt qua bằng tất cả lòng dũng cảm, sự quyết đoán, nhanh nhạy khi xử lý các tình huống và tất nhiên cần có kỹ năng, trình độ nghề nghiệp cần thiết”, nhà báo Trần Mai Hưởng bộc bạch.
Dù không phải phóng viên chuyên viết về lĩnh vực giáo dục, nhưng trong những năm tháng kháng chiến, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam có dịp được tiếp xúc khắp nơi, gặp gỡ nhiều đồng bào; trong đó có những học sinh và thầy, cô giáo chuyên và không chuyên. Trong số đó, nhiều người tình nguyện dạy học cho trẻ em, người dân ở vùng giải phóng.
Trong điều kiện chiến tranh, việc triển khai các hoạt động giáo dục gặp vô vàn khó khăn, thách thức khi thiếu từ đội ngũ giáo viên đến tài liệu giảng dạy, thiếu cả học sinh. Từ con số 0 (không trường, không học sinh, không giáo trình), các nhà giáo cách mạng đã có nhiều sáng tạo để dựng trường, mở lớp. Nhà báo Trần Mai Hưởng nhận thấy, hệ thống giáo dục miền Nam vẫn phát triển mạnh mẽ và được tổ chức chặt chẽ với phương châm “nơi nào có dân, nơi đó có giáo dục”.
Xây dựng trường lớp, lực lượng giáo dục, phát triển tri thức cho nhân dân và đấu tranh văn hóa với địch là những nhiệm vụ được triển khai quyết liệt trên cả ba vùng. Ở vùng giải phóng, cơ sở đào tạo giáo viên được thành lập khắp các địa phương.
Trường học được mở có nhiệm vụ đào tạo lớp thanh, thiếu niên cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Bên cạnh đó, còn các lớp phân tán trong dân, đặc biệt lớp xóa mù chữ và bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Có thể nói, những cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, văn hóa đã góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập cho dân tộc. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có gần 3.000 nhà giáo từ miền Bắc mang bút nghiên, sách vở lên đường đi B để chi viện cho mặt trận giáo dục miền Nam.
Sau giải phóng Miền Nam, non sông thu về một mối, nhà báo Trần Mai Hưởng đến một số trường học ở TPHCM để phỏng vấn, viết bài. Ai cũng hồ hởi, vui tươi vì đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải. Thầy, trò quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt nên không khí trường, lớp sôi động.
Nhớ lại khoảng khắc ngày 30/4/1975, nhà báo Trần Mai Hưởng kể, quang cảnh Sài Gòn lúc ấy rất đặc biệt. Ngồi trên xe nhìn ra bên ngoài, ông thấy những em bé, học sinh chạy theo hô to: Giải phóng rồi! Có những người đàn ông chạy xe máy theo và hát vang: Trùng trùng quân đi như sóng... Có cả anh phóng viên người Đức tung cả máy ảnh lên, hô to: Chúng tôi đã chờ thời khắc này lâu rồi. Có lẽ, tất cả đều khao khát và chờ đợi giây phút lịch sử ấy…