Bù lấp khoảng trống trong tư vấn hướng nghiệp

GD&TĐ - Thiếu thông tin về xu hướng nghề nghiệp, chưa hiểu rõ điểm mạnh của bản thân… là những điều khiến các em học sinh lúng túng khi chọn trường.

Học sinh được trải nghiệm thực tế các mô hình thực tế của các ngành học.
Học sinh được trải nghiệm thực tế các mô hình thực tế của các ngành học.

Hiệu ứng tích cực từ công tác tư vấn hướng nghiệp

Công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh đang được các trường Cao đẳng, Đại học triển khai tích cực, qua đó góp phần giúp nhiều học sinh có quyết định phù hợp trong việc chọn ngành, chọn trường.

Để tăng tự tin về sự chọn lựa ngành học, thời gian qua em Dương Hòa Mai Ngân, Trường THPT Nguyễn Thái Học (Bình Định) đã tích cực tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp được tổ chức ở trường cũng như trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.

Theo Ngân, đặt ra mục tiêu là tìm hiểu chính mình, qua các buổi hướng nghiệp em đã biết được cách xác định được bản thân mình thuộc nhóm người nào. Và với những đặc điểm về nhóm người em sẽ dễ dàng xác định được nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Còn với em Nguyễn Yến Nhi, Trường THCS & THPT Y Đôn (Gia Lai) thì trước giờ em chỉ được biết về các ngành học thông qua thông tin, hình ảnh trên mạng internet. Chưa từng được trải nghiệm các ngành học mà mình yêu thích một cách trực quan, sinh động nên em vẫn băn khoăn về chọn ngành học khi bước vào đợt tuyển sinh sắp tới.

Cũng theo Nhi, các buổi hướng nghiệp là cơ hội để mình được hiểu thêm về những ngành học, được tham quan các phòng học thực hành, phòng thí nghiệm, được các chuyên gia trực tiếp giải đáp thắc mắc, từ đó có thể đưa ra lựa chọn về ngành học. Ngoài ra, những học sinh như Nhi còn được tiếp xúc với các doanh nghiệp để tìm hiểu về công việc liên quan đến ngành học yêu thích và nắm bắt được xu hướng cũng như nhu cầu việc làm.

Trường Đại học Quang Trung ký kết hợp tác với các doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.

Trường Đại học Quang Trung ký kết hợp tác với các doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.

Theo TS. Trần Thị Việt Ngân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quang Trung (Bình Định), từ hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại các Trường THPT, những mô hình hướng nghiệp được các chuyên gia, giảng viên trình bày đã thu hút sự chú ý của đa số học sinh. Qua đó, có thể thấy rằng đa số các em học sinh vẫn còn những thắc mắc chung quanh về ngành học cũng như chọn trường gì.

“Tư vấn hướng nghiệp nhằm gợi mở để học sinh hiểu chính mình, có thể làm gì tốt nhất, việc đó xã hội có cần hay không. Và điểm giao thoa của đáp án sẽ là kim chỉ nam giúp học sinh chọn đúng ngành nghề", TS. Trần Thị Việt Ngân chia sẻ.

Kênh hướng nghiệp thiết thực

Là đơn vị có hoạt động tư vấn hướng nghiệp mạnh mẽ tại tỉnh Bình Định và Gia Lai trong thời gian qua, Trường Đại học Quang Trung (Bình Định) đã thu hút được nhiều sự chú ý của các bạn học sinh. Đặc biệt, vừa qua đơn vị này cũng đã tổ chức thành công chương trình Ngày hội hướng nghiệp 2023, có sự tham gia đông đảo phụ huynh và học sinh từ 15 trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Phú Yên.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Phư - Hiệu trưởng Trường Đại học Quang Trung, hướng nghiệp cho tuổi trẻ nói chung và học sinh các Trường THPT là chủ trương lớn của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng là trách nhiệm xã hội của các Trường Đại học. Vì vậy, định kỳ hàng năm, Trường Đại học Quang Trung tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp nhằm giúp học sinh xác định nghề nghiệp và con đường phát triển tương lai của mình.

Chung kết cuộc thi "Gen Z - Let's Shine", một hoạt động trải nghiệm tiếng Anh dành cho học sinh THPT yêu thích ngoại ngữ, nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội hướng nghiệp.

Chung kết cuộc thi "Gen Z - Let's Shine", một hoạt động trải nghiệm tiếng Anh dành cho học sinh THPT yêu thích ngoại ngữ, nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội hướng nghiệp.

Để chuẩn bị cho Ngày hội hướng nghiệp 2023, các khoa, phòng trong Trường xây dựng các mô hình về các ngành nghề để học sinh có những trải nghiệm, giúp học sinh hiểu và có những định hướng đúng đắn về nghề nghiệp. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp liên quan đến các ngành đào tạo nhằm giúp học sinh nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng như nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Tại đây, các em không chỉ được tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị các ngành học, mà còn được tham gia các hội thảo với nhiều chủ đề hấp dẫn từ Nhà trường và các doanh nghiệp. Các hội thảo như: Gen Z – Hiểu tài chính giúp bạn tạo giá trị; Thanh xuân nhanh định hướng, sớm thành công; Công nghệ sinh học trong nền kinh tế tri thức; Hoạt động giáo dục hướng nghiệp với chủ đề: Gen Z – Tìm hiểu chính mình...

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Phư, đến hiện tại, Trường Đại học Quang Trung đã có quan hệ hợp tác với 63 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để đưa chương trình đào tạo định hướng theo yêu cầu của các doanh nghiệp; chuẩn bị cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm làm việc thực tế theo ngành nghề đang theo học.

Việc hợp tác với các doanh nghiệp sẽ giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý... Đồng thời, doanh nghiệp sẽ có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, sinh viên có thêm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, hạn chế tình trạng loay hoay tìm việc hoặc làm việc trái ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.