Chị chia sẻ: “Bên cạnh xuất bản, tổ chức các sự kiện văn hóa giải trí hoặc các hoạt động cộng đồng xã hội, tôi đang ấp ủ một dự án truyền hình hợp tác với Đài PTTH Nghệ An.
Cùng với giấc mơ phát triển không gian cà phê sách ở Nghệ - Tĩnh thì đây là một trong những dự án tôi tâm huyết và sẽ nỗ lực để hiện thực hóa.
Dù kinh nghiệm làm cà phê sách còn khiêm tốn, nhưng nhóm chúng tôi cũng sẽ nhận hỗ trợ cho những người có tâm huyết mở cà phê sách tại các địa phương khác trong cả nước. Làm sao để càng có nhiều không gian đọc sách, càng có nhiều sách để đọc thì càng tốt, đó là ước mong lớn nhất của chúng tôi vào lúc này…”.
Bị nghiện công việc
* Nhiều người gặp đã chia sẻ ấn tượng đầu tiên về chị là “cực cá tính”. Điều ấy đúng hay sai? Bản thân chị thấy phụ nữ cá tính sướng hay khổ, nên hay không nên?
Lê Chi: Tầm tuổi này mà còn để lại ấn tượng cá tính với người khác thì là quá dở rồi. Ở cái độ mà sóng gió bão giông đã nếm trải nhiều đến mức có lúc tưởng chừng như mình không thể nào chịu đựng nổi, không thể nào chống đỡ nổi, tôi cố gắng để sống bình lặng hơn, dễ dung hòa và thích nghi hơn là duy trì sự khác biệt. Hơn nữa, tôi quan niệm, sự khác biệt nếu có thì không phải thể hiện ở vẻ ngoài, mà nằm ở tư duy.
Còn về việc phụ nữ cá tính sướng hay khổ, như tôi vẫn hay đùa trên trang cá nhân, sướng - khổ là tính từ. Nó là cảm giác của từng người, chỉ họ mới biết mình sướng hay khổ mà thôi.
Lê Chi làm MC trong một chương trình ra mắt sách |
* Từng làm báo hình, báo nói, ra Hà Nội làm báo viết, vào TPHCM làm báo điện tử, PR cho các tập đoàn lớn, và giờ một tay làm sách, tay cùng bè bạn khai trương quán cà phê sách…, có vẻ như BTV Lê Chi là người ham vui, thích trải nghiệm?
- Tôi ham việc thì đúng hơn, giống như bị nghiện công việc ấy, cứ phải luôn tay luôn chân luôn mồm luôn miệng, không làm là không chịu nổi. Trải nghiệm thì tự nó sẽ đến, sau những việc mình làm.
* Trong những nghề nghiệp chị đã làm, nghề nào tạo nhiều cảm hứng, thú vị nhất?
- Đúng là tôi làm khá nhiều công việc, từ ca hát đến dẫn chương trình, từ viết báo đến đạo diễn, từ biên tập/biên kịch đến đọc… morasse, từ PR/marketing đến tổ chức sự kiện…, làm việc gì cũng thấy hứng thú và hứng thú như nhau hết.
Hồi còn ở Nghệ An, bạn bè đồng nghiệp còn đặt vè đại ý nhắc đến Lê Chi là nhắc đến công việc, tới giờ, vẫn thế thôi, chẳng khác gì cả. Điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng hết pin, máy tính sạc cả ngày, trong cặp luôn có bản thảo và cây bút, tôi đọc mọi lúc mọi nơi, viết mọi nơi mọi lúc.
* Vừa phải chăm sóc con nhỏ, vừa phải quản lý một forum dịch thuật với hàng trăm người dịch, hàng ngàn member và thêm một công ty còn rất mới, nhưng chị vẫn luôn dành thời gian cho chữ nghĩa. Chị thu xếp lịch như thế nào để ổn thỏa?
- Có lẽ nhờ thói quen làm việc chăm chỉ mỗi ngày nên viết đã trở thành một phản xạ bản năng. Tôi viết rất nhanh và khá dễ dàng. Thời gian đi qua, sống nhiều vùng đất, làm nhiều công việc, ở những môi trường khác nhau, từ thuần Việt tới “lai” Tây, thuần Tây…, tôi học hỏi được nhiều điều. Vốn sống và sự trải nghiệm nhờ “cày cuốc” chăm chỉ đã giúp tôi có được phản xạ khá tốt khi nói, khi viết, cũng như triển khai các ý tưởng mới. Nên nhờ thế, tiết kiệm được thời gian chăng?
* Làm nhiều dĩ nhiên khó tránh khỏi stress, chị giải quyết sự bức xúc căng thẳng theo cách nào?
- Ồ, tôi ít bị stress khi phải làm nhiều, mà ngược lại, bận rộn cũng là một thứ “thuốc giải” những buồn đau, căng thẳng. Khi bạn không có đủ thời gian để… stress thì stress sẽ không thể chạm vào bạn.
* Người ta thường nói, phụ nữ càng giỏi, cáng đáng nhiều công việc càng truân chuyên. Với một phụ nữ đa năng như Lê Chi, điều này có đúng không?
- Tôi tự thấy mình đâu có giỏi gì. Vì nếu giỏi thực thì sẽ cân bằng được riêng chung…
* Gần 30 năm sống ở Nghệ An, điều này đã tác động tới tính cách và cuộc sống hôm nay của chị như thế nào?
- Tôi không biết mình có được ảnh hưởng những tính cách tốt của người Nghệ hay không, nhưng chắc chắn là chịu ảnh hưởng rất lớn từ ba tôi. Ba tôi là nhà văn chuyên nghiệp (nói vậy là vì ông sống cả đời bằng nghề viết văn và nhận lương của Hội Văn nghệ), nhưng ông ít khi để “nghệ sĩ tính” chi phối công việc. Ông là người mẫn cán và chu toàn trên mọi phương diện.
* Con trai chị sinh ra ở TPHCM nhưng nói tiếng Nghệ như người Nghệ và sớm bộc lộ khả năng viết lách, hình như chất nghệ sĩ “gia truyền” của gia đình đã có người thừa hưởng?
- “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” - tôi đã và đang dạy con như thế. Cứ làm việc mình thích, mình thấy vui, miễn là lương thiện và tử tế. Nếu là nguyện vọng cá nhân thì tôi không mong con mình đi theo nghề viết.
Không phải vì nghề viết nghèo, mà chính nỗi dằn vặt bản thân của người viết sẽ khiến họ khó có thể sống một đời tâm an trí lạc. Người viết mà không tự dày vò bản thân, trăn trở với từng con chữ thì sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh mình tự đặt lên vai, tự mang vác. Sống vậy, khổ lắm.
* Điều gì làm nên hạnh phúc, với chị?
- Nói điều mình nghĩ, làm việc mình thích, yêu thương và được yêu thương!
* Ước mơ của Lê Chi?
- Có thật nhiều tiền để cho đi!
Đã say đã mê là làm tới, làm đến cùng
* Chị vừa chung tay hỗ trợ vài người bạn cũng là người Nghệ mở quán cà phê sách Đông Tây lớn và đẹp nhất Biên Hòa, Đồng Nai. Không phải vô cớ mà người ta thường nói đùa, muốn bất hòa hãy rủ vài người Nghệ làm ăn chung. Vì đặc trưng của người Nghệ là hầu như ai cũng có ít nhiều tính “gàn”. Trong nhóm của chị, “chuyện đó” có xảy ra không?
- Đã là người Nghệ, nhất là những người có chút chữ nghĩa, độ gàn lại càng cao. Đó là một cá tính không trộn lẫn với con người xứ khác.
Tuy nhiên, khi kết hợp để làm ăn, ai cũng hiểu rằng mình cần bớt đi độ nồng của cái tôi để trở nên hài hòa hơn, làm đầy nhau, tôn nhau lên. Người Nghệ một khi đã tin nhau, cùng nhìn về một hướng thì không còn chỗ cho sự bất đồng nữa.
Trong đội ngũ những người thực hiện chương trình Sách hóa nông thôn khắp cả nước, người Nghệ chiếm phần đông là vì vậy. Họ, đúng như lối suy nghĩ của tỷ phú Richard Branson: “Mặc kệ nó, làm tới đi”, đã say đã mê là làm tới, làm đến cùng. (“Mặc kệ nó” ở đây là bất chấp khó khăn, không ngại thử thách). Có những người đóng góp, hoặc kêu gọi đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng tủ sách ở nông thôn.
* Theo chị, điều gì làm nên sự khác biệt giữa Cà phê Sách Đông Tây nói chung, Đông Tây Biên Hòa nói riêng với mô hình cà phê sách vốn đã rất quen thuộc?
- Tôi cũng chỉ mới “bén duyên” với Đông Tây trong thời gian gần đây, nhưng tôi biết từ nhiều năm nay, hệ thống Cà phê sách Đông Tây đã gắn bó mật thiết với các chương trình cộng đồng, điển hình là Sách hóa nông thôn.
Hằng tháng, hằng năm, những chuyến xe đi tặng sách do Sách hóa nông thôn và Đông Tây phối hợp được thực hiện một cách đều đặn, chuyên nghiệp và ngày một gia tăng khi cả xã hội đang chung tay dựng lại hạ tầng văn hóa đọc bằng các thư viện, tủ sách ở khắp mọi nơi.
Chủ đầu tư chính của Đông Tây Sông Phố - Biên Hòa cũng là thành viên đắc lực của chương trình Sách hóa nông thôn. Nên Cà phê sách Đông Tây Sông Phố (và các chi nhánh tiếp theo) cũng sẽ đi theo định hướng này: đặt việc phụng sự cho văn hóa đọc lên hàng đầu, kinh doanh chỉ là một phần trong đó.
Lê Chi trong một chương trình ra mắt cà phê sách |
* Song song những công việc đang làm, chị còn là CEO của Công ty Văn hóa và Đầu tư Cầu Vồng. Có lần chị tâm sự, mình nặng lòng với Cầu Vồng vì đó là công ty do ba chị (nhà thơ Nguyễn Quốc Anh) “đẻ” ra?
- Ba tôi thuộc thế hệ nhà văn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi còn là cán bộ Tuyên giáo trong quân ngũ, sau đó chuyển ngành công tác tại Hội Văn nghệ. Do hoàn cảnh lịch sử, tuổi thơ ông không được đến trường nhiều.
Nhưng, vốn là một người hiếu học, ham đọc sách, ông đã dành phần lớn tiền bạc mình kiếm được vào việc mua sách, và bắt đầu xây dựng tủ sách gia đình từ rất sớm. Ba tôi đọc rất nhiều, đọc “bất cứ thứ gì có chữ”, thậm chí cả mẩu tin quảng cáo đăng trên báo. Bằng việc đọc sách, học qua sách, ông trở thành nhà văn, sống được bằng nghề viết.
Cầu Vồng đúng là tâm huyết của ba tôi, sinh thời. Lúc đó, ngành Xuất bản chưa xã hội hóa mạnh mẽ như bây giờ. Ông mở công ty với tâm nguyện tư vấn các dịch vụ văn hóa, hỗ trợ các tác giả, nhất là tác giả trẻ ra sách in sách. Kể cả tác giả không chuyên.
Khi tái lập Cầu Vồng, dự định ban đầu của tôi không phải là xuất bản, vì tôi vốn không phải là dân làm sách chuyên nghiệp. Sách đến với tôi như một cơ duyên, một tiếng gọi từ tiềm thức, từ chính đam mê đọc sách và thành danh nhờ sách mà ba tôi truyền lại.
Chỉ sau một năm chuyển nghề từ báo chí, truyền thông sang xuất bản, tôi đã bị công việc này cuốn hút, hấp dẫn và “phải lòng” thực sự. Dù trên thực tế, xuất bản là nghề áp lực lớn và… thu nhập thấp.