Brexit, Brexit, Brexit. Đó chính là từ được nhắc đến nhiều nhất lúc này, bởi ai cũng nhìn thấy một viễn cảnh không sáng sủa cho mấy của tình hình thế giới. Sau Vương quốc Anh, sẽ là những quốc gia nào muốn rời khỏi EU? Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Hungary…, rất nhiều cái tên đã được nhắc tới, và điều đó cho thấy EU đã nhận được sự hoài nghi như thế nào của chính những thành viên trong hệ thống.
Giấc mơ một siêu nhà nước của châu Âu dường như đã bắt đầu tan vỡ từ chính những hoài nghi ấy, nhất là khi EU đã rất loay hoay khi phải đối diện một loạt khủng hoảng suốt thời gian qua, từ căng thẳng ở Ukraine cho tới nợ công ở Hy Lạp.
Nhưng khi chính những tiếng Brexit ấy vang lên thì cũng chính là lúc chúng ta nhận diện rõ nhất về bản chất của cuộc chơi chính trị ở Vương quốc Anh ở thời điểm hiện tại. Với việc phe ủng hộ Anh rời EU chiếm đa số, dẫn tới chuyện David Cameron phải từ chức và sau đó là phát biểu hùng hồn nhân dịp “chiến thắng”của Boris Johnson, chính trị gia ủng hộ rời EU mạnh mẽ nhất, lời phát biểu mà người nghe cứ ngỡ như ông đang đắc cử thủ tướng, chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy bản chất của câu chuyện Brexit thực sự đang là gì.
Boris Johnson tận hưởng chiến thắng của Brexit
Ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được đưa ra, người Anh mới ngỡ ngàng với cái gọi là chiến thắng mà họ đạt được không phải như những gì mà các chính trị gia giỏi diễn thuyết, dẫn dụ một cách đầy sinh động đã hứa. “Ồ tôi không thể hứa đảm bảo về chuyện đó (350 triệu bảng cho Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia NHS).
Và tôi cũng chưa bao giờ hứa hẹn chuyện này. Đây là một sai lầm đáng tiếng của chiến dịch rời bỏ EU”. Đó chính là phát biểu của Nigel Farage, chủ tịch đảng Vương quốc Anh độc lập (UKIP, đảng chỉ có 1 ghế trong nghị viện) và là một người rất nhiệt huyết với Brexit, trên chương trình “Chào buổi sáng, nước Anh” phát trên kênh ITV.
Rất nhiều người Anh đã tin rằng có một nguồn cung từ ngân sách như thế cho Dịch vụ sức khỏe quốc gia và họ chợt nhận ra rằng “làm gì có ai hứa một cách đảm bảo như thế” chỉ vài giờ sau khi công bố kết quả trưng cầu.
Trong khi đó, nghị sỹ Daniel Hannan, người cũng là thành viên nghị viện EU, lại trả lời về chuyện hạn chế cơ bản số lượng người nhập cư bằng cách sử dụng sự lập lờ của câu chữ rằng “chúng tôi không nói rằng sẽ hạn chế tối đa người nhập cư mà chúng tôi chỉ đưa ra hướng để mở cửa có kiểm soát đối với họ mà thôi”.
Điều đó khiến những người Anh từng biểu quyết cho Brexit hoang mang hơn. Họ được dẫn dụ tới với chiến dịch Brexit với nỗi lo sợ người nhập cư từ EU sẽ là lực lượng lao động đe dọa công ăn việc làm của mình. Để rồi khi biểu quyết xong, họ nhận ra rằng giới chính trị gia tuyên bố theo kiểu “ý chúng tôi không phải như thế”.
Boris Johnson đi biểu quyết với tuyên bố nổi tiếng "Chẳng có thay đổi đột ngột nào cũng như tác động tiêu cực đáng ngại nào lên nền kinh tế Anh nếu chúng ra rời EU cả”
Thê thảm hơn, cựu thị trưởng London Boris Johnson và Michael Gove, Đại chưởng ấn (Đổng lý văn phòng) Vương quốc Anh, hai “lãnh tụ” hàng đầu của chiến dịch rời EU, đã từng nói chắc như đinh đóng cột rằng “Chẳng có thay đổi đột ngột nào cũng như tác động tiêu cực đáng ngại nào lên nền kinh tế Anh nếu chúng ra rời EU cả”.
Vậy mà chỉ cần kết quả trưng cầu được đưa ra, tức là về pháp lý, Anh vẫn còn nằm trong EU ở thời điểm này, đồng bảng Anh mất giá so với euro 5% ngay trong ngày đầu và mất giá kỷ lục nhất trong suốt 31 năm qua còn chỉ số FTSE 100 rớt 8,7%. Người dân Anh hoảng hốt thực sự và thậm chí đã có cả trào lưu tích trữ ngoại tệ, đặc biệt là đồng euro, điều hiếm hoi xảy ra ở Vương quốc hùng mạnh này.
Nhưng bi kịch nhất phải là những lời hứa của giới chính trị gia ủng hộ Brexit về tiến trình rời EU. “Sau ngày trưng cầu, sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Pháp lý, chúng ta vẫn thuộc EU. Chúng tôi sẽ đàm phán với những đồng minh ở châu Âu về phương thức tốt nhất cho mối quan hệ Anh – EU. Và chúng tôi sẽ làm rất thận trọng khi chúng tôi tạo ra một thay đổi nào đó”. Lời hứa này cho dân Anh có cảm giác an toàn, cảm giác tự tôn của một cường quốc có vị thế. Cảm giác ấy được đẩy lên cao trào khi cả châu Âu thuyết phục Anh ở lại. Người Anh tự hào rằng “À, thì ra là EU quá cần chúng ta”.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và
Chủ tịch nghị viện châu Âu Martin Schulz (phải)
Song, tất cả không như lời hứa ngọt ngào đó. Ngay sau khi kết quả trưng cầu được công bố, Chủ tịch nghị viện châu Âu, Martin Schulz, chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và thành viên Hội đồng châu Âu, thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đưa ra một tuyên bố chung rằng “Vương quốc Anh phải tiến hành rời khỏi EU càng sớm càng tốt bất chấp tiến trình này có đau đớn thế nào đi nữa”.
Cùng lúc ấy, người Pháp, những người đầu tiên đặt nền tảng cho siêu nhà nước của châu Âu với một viễn tượng chung sống hòa bình đã đưa ra quan điểm của họ, bằng một xã luận trên tờ Le Monde rằng:
“Bi kịch lớn nhất đối với phần còn lại của châu Âu là tự cho phép mình nghĩ rằng vì Brexit mà châu Âu sẽ không còn được như trước nữa. Cái gì xảy ra thì đã xảy ra, châu Âu lục địa cần chơi đẹp với người Anh. Còn các quý ngài Anh quốc, các vị đã chọn, vậy thì “out” là “out” thôi.”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk
Tất cả những điều đó khiến người Anh cảm nhận rằng hóa ra, EU không cần họ đến thiết tha như thế và EU sẵn sàng sống mà không có Vương quốc Anh. Mối quan hệ bây giờ là cần nhau thì hợp tác và các nước lớn như Mỹ, Canada, Đức, Pháp vẫn sẽ tiến hành các hiệp định song phương với Vương quốc Anh để mưu cầu lợi ích cho cả hai phía. Còn riêng Vương quốc Anh, cuộc chơi đã trở nên gian khó hơn khi họ tự chọn đường của mình.
Phải nói thêm rằng, người Anh kiêu ngạo và tự tin vào sức mạnh của mình cũng bởi họ có nền tảng. Họ sẽ không gục ngã khi rời EU nhưng người dân Anh sẽ mất nhiều hơn được.
Và mới trong một cuộc điều tra chớp nhoáng gần đây thôi, một bộ phận không nhỏ người Scotland đã cho kết quả về ý kiến của mình xoay quanh chuyện tách ra khỏi Vương quốc Anh để trở thành một quốc gia độc lập. Nếu hồi 2014, cuộc trưng cầu cho thấy 45% dân Scotland muốn rời khỏi Anh thì hiện nay, chỉ số đó đã tăng 7 điểm, tức đạt 52%, một con số quá bán.
Điều đó có thể khuyến khích một cuộc trưng cầu dân ý tại Scoland, thứ mà bà thủ hiến Nicola Sturgeon rất thích, để dẫn tới việc Scotland không còn nằm trong Liên hiệp Vương quốc Anh nữa.
Cuối cùng, người dân Anh còn lại gì? Nỗi lo sợ mơ hồ của họ đã tạo điều kiện để các chính trị gia tận dụng làm đòn bẩy cho chính mình. Boris Johnson muốn ghế chủ tịch đảng Bảo thủ của Anh cũng như ghế thủ tướng Anh của ông David Cameron.
Bây giờ thì nỗi sợ hãi của dân Anh đã giúp vị chính trị gia ấy tới sát hơn mục đích của mình. Còn những gì người dân Anh nhận được từ Johnson thì vẫn chưa thành hình.
Bà Marine Le Pen
Và những chúc mừng cho “thắng lợi của người Anh” cũng chỉ đến từ những người cực hữu, như bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng Mặt trận quốc gia Pháp, hay Donald Trump, một hiện tượng của chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Điều đó khiến người ta hình dung viễn cảnh về một thế giới cực đoan đang hình thành, từ chính những nước văn minh như Anh, Pháp, Mỹ và lan rộng trên toàn cầu như một căn bệnh.
Lời nói gió bay, người Anh chắc đang thấm thía câu châm ngôn ấy, khi nhìn vào những gì mà các chính trị gia mới dẫn dụ họ đã làm và so sánh với những gì họ đã hứa. Và chắc họ chưa quên, biệt danh của đảng Bảo thủ Anh là Tory, trong tiếng Ireland có nghĩa là “những kẻ vô lại”.