Brexit gây cản trở quá trình làm luật của Liên minh châu Âu

Theo các nhà hoạch định chính sách của EU, sự kiện Brexit không thể khiến khối này bị “tê liệt,” song sẽ làm phức tạp hóa quá trình làm luật của 27 quốc gia thành viên còn lại.

Brexit gây cản trở quá trình làm luật của Liên minh châu Âu
Brexit gay can tro qua trinh lam luat cua Lien minh chau Au - Anh 1

Một người biểu tình vẫy cờ Anh và EU bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) vừa lên tiếng khẳng định sự kiện Brexit, chỉ khả năng cử tri Vương quốc Anh quyết định rời khỏi EU, mặc dù không thể khiến khối này bị “tê liệt”, song sẽ làm phức tạp hóa quá trình làm luật của 27 quốc gia thành viên còn lại.

Trong cuộc thảo luận về Brexit hồi tuần trước, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt đã nói trước Nghị viện châu Âu rằng EU “không thể bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng” của nước Anh.

Tuy nhiên, tình trạng lấp lửng này khó có thể chấm dứt trong một sớm một chiều do quá trình “ly hôn” phức tạp dự kiến kéo dài trong hai năm giữa Vương quốc Anh và EU sẽ không được kích hoạt cho đến khi London tìm ra người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron. Thậm chí, sau đó tân Thủ tướng còn phải đàm phán về Brexit với EU liên quan đến việc liệu London có thể giành quyền tiếp cận thị trường chung EU hay không.

Trong khi đó, bởi vì cuộc "ly hôn" này chưa từng có tiền lệ nên người ta vẫn chưa quyết định được rằng liệu nước Anh nên tham gia vào các cuộc đàm phán khác của EU ngoài vấn đề Brexit hay không. Đây có thể là những cuộc đàm phán về các chính sách thương mại mà trong đó các quyết định của EU có thể gây ảnh hưởng đến nước Anh với tư cách là “người ngoài”. Ngoài ra, EU cũng quan ngại rằng London sẽ không kích hoạt ngay Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon - quy trình chính thức đưa một nước thành viên ra khỏi liên minh - mà sẽ sử dụng quyền thành viên của mình để đàm phán về các thỏa thuận thương mại với EU.

Liên quan đến vấn đề này, một quan chức cấp cao của EU thậm chí còn tính tới việc dựa vào cơ sở pháp lý nếu London không kích hoạt Điều 50 ngay trong năm nay và gây cản trở hoạt động của EU.

Phát ngôn viên của Chính phủ Anh cho hay Vương quốc Anh vẫn sẽ là một thành viên của EU cho đến khi các cuộc đàm phán chính thức khép lại. Tuy nhiên, giới chức Anh vẫn thừa nhận rằng sức nặng của London trong các cuộc đàm phán sẽ giảm sút và các mối quan hệ thương mại sẽ chỉ dừng lại ở mức ngắn hạn trong thời gian tới.

Về mặt pháp lý, các bộ trưởng Anh vẫn có quyền bỏ phiếu trong các hội đồng của châu Âu (kể cả quyền phủ quyết một số vấn đề) và cả Nghị viện châu Âu (chiếm 73 ghế trong số tống số 751 ghế). Do đó, điều luật về chia sẻ gánh nặng của việc cắt giảm khí thải carbon dioxide, dự kiến được thông qua trong tháng này, có thể sẽ bị hoãn lại./.

Theo VietnamPlus

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ