Bước nhượng bộ của bà May
Trong một tuyên bố quan trọng tại Phố Downing chỉ vài ngày trước khi Vương quốc Anh chuẩn bị rời khỏi EU với các sự lựa chọn có hoặc không có thỏa thuận, bà May cho biết sẽ thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào được đa số trong Quốc hội Anh chuẩn y.
“Đây là thời điểm quyết định và nó đòi hỏi sự đoàn kết quốc gia để mang lại lợi ích quốc gia”, bà May nói.
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập, Jeremy Corbyn, đã chấp nhận lời đề nghị đàm phán của bà May và thừa nhận Thủ tướng đã thay đổi quan điểm. Khi chấp nhận thỏa hiệp, bà May hiểu rằng sẽ không bao giờ có thể thắng được các đồng minh trong đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ailen, cũng như phe cứng rắn của Brexit trong chính đảng Bảo thủ của bà. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp Nội các kéo dài gần như cả ngày vừa qua chắc chắn sẽ gieo rắc sự chia rẽ sâu sắc về phía bà.
Những dấu hiệu chia rẽ
Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, một thành viên của Quốc hội bảo thủ, người ủng hộ việc tách khỏi EU, đã nhanh chóng nói lên sự thất vọng. “Đây là một cách tiếp cận không thỏa đáng... Đó không phải là lợi ích của đất nước, nó không hiện thực hóa được kết quả trưng cầu dân ý và lịch sử đã báo trước những điều chẳng tốt đẹp gì”.
Ông Rees-Mogg cho biết sẽ kiên quyết phản đối đề nghị đàm phán của bà May với phe đối lập. Trong tuyên bố của mình, bà May đề nghị mở cuộc đàm phán mới với lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn để tìm lối thoát trước khi có Hội nghị Thượng đỉnh EU khẩn cấp vào ngày 10/4. Bà May gợi ý rằng nếu bà và ông Corbyn không thể đồng ý một thỏa thuận, chính phủ sẽ thực hiện bỏ phiếu về các lựa chọn Brexit.
Thủ tướng Anh hứa sẽ tuân thủ bất kỳ đề xuất nào chiếm đa số trong Nghị viện về mối quan hệ tương lai của Vương quốc Anh với châu Âu, miễn là phe đối lập cũng làm như vậy. Khi đề xuất như vậy, bà đã loại trừ một cách hiệu quả nguy cơ Anh rời ra khỏi châu Âu mà không có thỏa thuận.
Có thể nói rằng, cuộc tranh luận của quốc hội Anh trong những tuần gần đây đã gây thiệt hại cho tất cả mọi người. “Cuộc tranh luận này, bộ phận này không thể kéo dài hơn nữa. Nó đang đặt các thành viên của Nghị viện và mọi người khác dưới áp lực to lớn và đang gây thiệt hại cho nền chính trị của chúng tôi”, bà May nói.
Một sự thỏa hiệp là lối thoát duy nhất, theo Thủ tướng Anh. Bà nêu rõ: “Đây là một thời gian khó khăn cho tất cả mọi người. Sự căng thẳng đang tăng cao ở tất cả các khía cạnh của cuộc tranh luận. Nhưng chúng ta có thể và sẽ phải tìm ra những thỏa hiệp mang lại những gì mà người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ”.
Thương lượng đa chiều
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập, ông Corbyn cho biết sẽ chấp nhận lời đề nghị đàm phán. “Chúng tôi nhận thấy rằng bà May đã có một động thái. Tôi nhận ra trách nhiệm của mình là đại diện cho những người ủng hộ đảng Lao động trong cuộc bầu cử vừa qua và cả những người không ủng hộ đảng Lao động, nhưng vẫn muốn một sự chắc chắn và an toàn cho tương lai của chính họ, và đó chính là cơ sở để chúng tôi gặp bà May, chuẩn bị cho những cuộc thảo luận đó”.
Sau bài phát biểu của bà May, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ có những cánh cửa mở ra một sự trì hoãn hơn nữa. “Không ai biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao, chúng ta hãy kiên nhẫn”, ông viết trên Twitter.
Thế nhưng, lập trường của các nhà lãnh đạo châu Âu khác đang dần cứng rắn hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng EU sẽ không “bắt giữ con tin” trước cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Anh, và việc trì hoãn Brexit không phải là đã được bảo đảm đối với nước Anh.
“Lần phủ nhận thứ ba về Thỏa thuận Brexit, cũng như sự từ chối bất kỳ lựa chọn thay thế nào cũng đều dẫn tới một cuộc ra đi không có thỏa thuận cho nước Anh”, ông Macron nói.
Ông cho biết thêm rằng EU sẽ “để ngỏ” cho một kế hoạch Brexit khác, như liên minh hải quan, hay như cuộc tổng tuyển cử và trưng cầu dân ý lần thứ hai, giống như những cách tiềm năng có thể giúp Anh bảo đảm cho một thời gian trì hoãn khác - nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng điều đó “đều phụ thuộc vào phía London”.
Bế tắc trong Quốc hội
Sự bế tắc của Quốc hội Anh càng trở nên trầm trọng khi các nhà lập pháp không có mặt tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện để phản đối những lựa chọn thay thế đối với Brexit.
Bế tắc đã khiến một nhóm nghị sĩ đa đảng, bao gồm nhà lập pháp bảo thủ Oliver Letwin và nghị sĩ Lao động Yvette Cooper, phải gấp rút soạn thảo một dự luật để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Kế hoạch này sẽ được tranh luận và bỏ phiếu trong những ngày sắp tới và có khả năng sẽ diễn ra thay vì vòng thứ ba của cái gọi là bỏ phiếu chỉ định dự kiến.
“Chúng tôi đang ở trong một tình huống thực sự nguy hiểm, với nguy cơ không có thỏa thuận nào và sự nguy hiểm này ngày càng gia tăng trong thời gian tới” - ông Cooper nói – “Thủ tướng có trách nhiệm ngăn chặn điều đó xảy ra. Bà May cần đưa ra một đề xuất cụ thể, bao gồm cả thời gian cho việc trì hoãn mà bà vẫn nghĩ rằng là nhiệm vụ của chúng tôi”.