Trưng cầu dân ý lần hai về Brexit?

GD&TĐ - Một trong những bộ trưởng cao cấp nhất trong chính phủ của bà Theresa May đã đưa ra triển vọng về một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai để phá vỡ bế tắc Brexit, khi những đồn đoán về tương lai của Thủ tướng Anh và dự thảo kế hoạch Brexit của bà đang gây sốt.

Nước Anh vẫn rối bời vì Brexit
Nước Anh vẫn rối bời vì Brexit

Đề xuất đáng được xem xét

Một ngày sau khi hàng trăm nghìn người tuần hành ở trung tâm London để kêu gọi một cuộc bỏ phiếu công khai thứ hai về Brexit, Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Philip Hammond, nhận định: Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai là “đề xuất mạch lạc” đáng được xem xét. Đây cũng có thể là một trong những lựa chọn được đưa ra cho các nhà lập pháp trong những ngày tới.

Những bình luận của ông báo hiệu một sự thay đổi rõ ràng, trong khi bà May liên tục từ chối khả năng cho phép thăm dò ý kiến công chúng Anh một lần nữa về Brexit. Đây cũng là lần đầu tiên một bộ trưởng nội các cao cấp của bà May lên tiếng về một động thái như vậy, điều đó cho thấy rất có thể đây là một đề xuất khả thi.

Ông Philip Hammond xác nhận rằng Quốc hội sẽ bỏ phiếu về một loạt lựa chọn Brexit trong tuần này và thừa nhận rằng bà May sẽ không thể cứu vãn kế hoạch mà các nhà lập pháp phủ nhận với tỷ lệ bỏ phiếu đầy tính lịch sử trong hai lần.

“Bằng cách này hay cách khác, trong tuần này, Quốc hội Anh sẽ có cơ hội quyết định xem điều gì có lợi cho ai và tôi hy vọng rằng họ sẽ nắm lấy cơ hội đó, nếu họ đã không thể chấp nhận những thỏa thuận của Thủ tướng, thì cũng phải nói rõ ràng về những gì có thể đến sau này”, ông Hammond nói - “Tôi không chắc rằng đa số trong Nghị viện sẽ chấp thuận một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, nhưng đó là một đề xuất hoàn toàn mạch lạc, dù sẽ bị nhiều người phản đối mạnh mẽ, nhưng nó đáng được xem xét”.

Lựa chọn nào cho Brexit

Các nghị sĩ có thể bỏ phiếu về khả năng này và một loạt lựa chọn thay thế Brexit khác, trong nỗ lực tìm đường thoát khỏi bế tắc chính trị trước hạn chót là ngày 12/4 do Hội đồng châu Âu đưa ra trong tuần trước. Các lựa chọn có thể bao gồm: Nước Anh tiếp tục là thành viên của thị trường đơn lẻ hoặc liên minh hải quan EU; hoặc có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit; hoặc chấp thuận một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada; và cuối cùng là một Brexit không có thỏa thuận nào.

Bà May vẫn chưa xác nhận liệu có điều chỉnh các thỏa thuận Brexit lần thứ ba hay không, sau khi dự thảo của bà đã bị phủ quyết hai lần với 230 và sau đó là 149 phiếu. Để có thể thành công, bà sẽ cần phải có sự ủng hộ của 75 nghị sĩ nữa, tuy nhiên, các đảng đối lập và một số nhân vật cứng rắn khác cho đến nay đã kiên quyết phản đối dự luật. Nếu Quốc hội thông qua, thì sự trì hoãn Brexit sẽ được kéo dài đến ngày 22/5, cho phép Quốc hội có thêm thời gian để ban hành các điều luật cần thiết.

Nhưng thất bại được dự đoán trước của cuộc bỏ phiếu sẽ khiến Anh rơi vào một cuộc xung đột khác với EU, khi mà bất kỳ lựa chọn nào ngoài việc không có thỏa thuận lại sẽ đòi hỏi chính phủ nước này phải tìm cách gia hạn thêm, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng Anh buộc phải tham gia cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 5 tới.

Những tin đồn

Cơ hội của bà May để có thể tiếp tục xem xét bất kỳ chiến lược Brexit tại văn phòng Thủ tướng đang ngày càng giảm, nhất là khi một số bộ trưởng nội các cao cấp của chính phủ đang chuẩn bị “gây bão” với bà. 11 bộ trưởng nghĩa là gần một nửa thành viên cao cấp của chính phủ Anh, sẽ đối đầu với bà May bằng một tối hậu thư, kêu gọi bà từ bỏ chiếc ghế Thủ tướng để đổi lấy hỗ trợ cho Thỏa thuận Brexit của mình. Theo tờ Thời báo Chủ nhật, những người có khả năng thay thế bà May sẽ là Phó Thủ tướng thực tế kiêm đồng minh thân cận của bà, David Lidington và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove. Cả hai đều nhấn mạnh lòng trung thành của họ với Thủ tướng.

Những suy đoán càng tăng cao hơn nữa khi George Freeman, một nghị sĩ bảo thủ và cựu cố vấn chính sách cho bà May, cũng từng buột miệng nói rằng “mọi chuyện đã kết thúc, đối với bà May. “Tôi e là tất cả đã kết thúc đối với Thủ tướng. Bà đã làm hết sức mình, nhưng bạn có thể thấy sự phẫn nộ đang lan tràn trên khắp đất nước. Mọi người đều cảm thấy bị phản bội”, Freeman bình luận trên Tweetter.

Văn phòng Thủ tướng từ chối bình luận về những tin đồn trên các tờ báo và khẳng định không ảnh hưởng đến lịch trình sắp tới. Ông Hammond cũng nói thêm rằng những tin đồn như vậy chỉ là sự “tự sướng”. Ông nói thêm: “Đây không phải là về Thủ tướng hay bất kỳ cá nhân nào khác, đây là về tương lai của đất nước chúng tôi. Thay đổi Thủ tướng hay thay đổi đảng trong chính phủ đều sẽ không giúp được gì cho chúng tôi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.