Botania kêu cứu cho kẻ giả mạo chính mình?

GD&TĐ - Công ty TNHH TM Botania đã gửi đơn kêu cứu cho các quảng cáo trái phép mà Báo Giáo dục & Thời đại đã phản ánh?

Botania kêu cứu cho kẻ giả mạo chính mình?

Về lý, đáng ra công ty này phải phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ ai đứng sau các quảng cáo trái phép về sản phẩm BoniDiabet có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Điều gì khiến công ty này làm việc “ngược đời” như vậy?

BoniDiabet không phải thuốc chữa bệnh

Như Báo Giáo dục & Thời đại đã phản ánh, trên các nền tảng Internet như Facebook, Google, YouTube... xuất hiện nhiều quảng cáo sản phẩm BoniDiabet và BoniDiabet+ có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Các quảng cáo này sử dụng thư cảm ơn của bệnh nhân, hình ảnh, trang phục của nhân viên y tế, bác sĩ để “tung hô” cho sản phẩm. Một số nội dung quảng cáo còn cho rằng, sử dụng BoniDiabet một thời gian có thể không phải dùng thuốc tây hoặc giảm gần hết thuốc tây.

Cụ thể như trang web nhathuoc365.vn đăng bài về sản phẩm BoniDiabet có tác dụng điều trị bệnh. Nội dung là: “BoniDiabet mang lại hiệu quả điều trị cao. Theo kết quả kiểm tra lâm sàng, sản phẩm sau khi được kết hợp sử dụng trong quá trình điều trị đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là tỷ lệ làm giảm lượng đường trong máu ngăn ngừa các biến chứng chiếm đến 96,7% trong quá trình điều trị”.

Trên trang tieuduong.net còn gọi BoniDiabet là thuốc: “Thực hư về thuốc tiểu đường BoniDiabet: Ổn định và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường. Thuốc tiểu đường BoniDiabet được coi là một trong các loại thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường đắc lực trong quá trình ngăn ngừa và điều trị tiểu đường.

Trong các sản phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường hiện nay thì BoniDiabet được các bác sĩ khuyên dùng và có những công dụng tốt, không để các triệu chứng quay lại. Vậy BoniDiabet là thuốc gì, công dụng và cách sử dụng thuốc BoniDiabet là gì?”.

Những quảng cáo như vậy xuất hiện trên môi trường mạng có thể khiến nhiều người lầm tưởng về việc BoniDiabet có tác dụng chữa bệnh. Nhưng thực tế thì đó chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và không có tác dụng điều trị bệnh.

Những quảng cáo này trái với Quy định tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Trái với quy định tại Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Ngoài ra, nhiều quy định cũng nghiêm cấm việc dùng các từ “điều trị”, “chữa bệnh” hoặc các từ có nghĩa tương đương khi quảng cáo thực phẩm chức năng.

Quảng cáo trên trang tieuduong.net gọi sản phẩm BoniDiabet là thuốc.
Quảng cáo trên trang tieuduong.net gọi sản phẩm BoniDiabet là thuốc.

Thương hiệu BoniDiabet bị tổn hại?

Trước vấn nạn quảng cáo sai sự thật về các loại thực phẩm chức năng nói chung, năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kết luận về Cuộc họp liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, qua đó nêu rõ:

“Về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc giao Bộ Y tế chủ trì. Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan (trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan chức năng ở nước ngoài) thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm chức năng, thuốc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội”.

Có thể nói, các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng rất nhiều, rõ ràng, chi tiết. Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Mai Hương Cẩm, đại diện pháp luật của Công ty TNHH TM Botania khẳng định, phía công ty chỉ sở hữu trang web botania.com.vn. Những quảng cáo trên các nền tảng, địa chỉ khác công ty không thực hiện.

Căn cứ vào các thông tin thu thập được và quy định của pháp luật, Báo Giáo dục & Thời đại đã đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng hỗn loạn quảng cáo BoniDiabet có thể khiến bệnh nhân tiểu đường trả giá đắt khi bỏ thuốc tây để dùng thực phẩm. Tuy nhiên, Công ty TNHH TM Botania lại có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương... để kêu cứu cho những kẻ “giả mạo chính mình”.

Nội dung Đơn kêu cứu của Công ty TNHH TM Botania khẳng định Báo Giáo dục & Thời đại làm trái tôn chỉ mục đích và gây tổn hại đến thương hiệu BoniDiabet. Về việc này, Báo GD&TĐ khẳng định, tuyến bài chúng tôi đã đăng tải đã lột trần sự thật về những trang web quảng cáo sai sự thật.

Việc này là tốt cho Công ty TNHH TM Botania. Tuyến bài cung cấp cho người tiêu dùng thông tin hữu ích để giúp họ lựa chọn sáng suốt khi mua các sản phẩm BoniDiabet và BoniDiabet+.

Về lý, Công ty TNHH Botania cần phải phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ xem đơn vị, cá nhân nào đã thực hiện các quảng cáo trái quy định qua đó xác định các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái (nếu có).

Trước đây, rất nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã có sự phối hợp như vậy, qua đó cơ quan chức năng đã bắt nhiều vụ sản xuất hàng giả, hàng nhái, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, Công ty TNHH Botania có Đơn kêu cứu cho những kẻ giả mạo chính mình là việc xưa nay hiếm.

Botania kêu cứu cho kẻ giả mạo chính mình? ảnh 2
Phó Thủ tướng từng có chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trái phép.
Phó Thủ tướng từng có chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trái phép.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Báo GD&TĐ đồng hành

Đơn kêu cứu của Công ty TNHH TM Botania khẳng định Báo Giáo dục & Thời đại làm trái tôn chỉ mục đích. Tôn chỉ mục đích của chúng tôi ghi rõ:

“…chống những biểu hiện sai trái với quan điểm giáo dục của Đảng và Nhà nước”. Vậy, những hành vi quảng cáo sai trái chúng tôi đã nêu ra trong tuyến bài có đúng với quan điểm giáo dục của Đảng và Nhà nước không?

Ngay sau khi loạt quảng cáo sản phẩm BoniDiabet trái phép được đăng tải, Báo Giáo dục & Thời đại nhận Công văn số 712, ngày 17/4/2021 của Cục An toàn thực phẩm. Công văn khẳng định, Cục này sẽ vào cuộc kiểm tra sự việc.

Văn bản nêu rõ: Đối với nội dung về quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ BoniDiabet và BoniDiabet+, Cục sẽ rà soát nội dung của các sản phẩm nêu trên trên các phương tiện quảng cáo. Nếu phát hiện vi phạm, Cục ATTP sẽ xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý theo quy định.

Công văn của Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Báo Giáo dục & Thời đại hỗ trợ tuyên truyền một số nội dung: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Ngoài ra, thông qua Công văn này, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân một số vấn đề như: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đọc kỹ nhãn sản phẩm, mua hàng hoá phải có hoá đơn/ đơn hàng sản phẩm để làm bằng chứng...

Như vậy có thể thấy, chính cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng đề nghị Báo GD&TĐ đăng tải thông tin về lĩnh vực này. Việc Đơn kêu cứu của Công ty TNHH TM Botania cho rằng Báo GD&TĐ đăng tải trái tôn chỉ mục đích là vô căn cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.