Bớt xén suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật?

GD&TĐ - Liên quan đến việc phụ huynh Trường Tiểu học Phước Long 1, Nha Trang phát hiện nhà bếp bớt xén rất nhiều thức ăn của học sinh bán trú đang gây bức xúc trong dư luận, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu bớt xén suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật?

Trường Tiểu học Phước Long 1 nơi xảy ra sự việc
Trường Tiểu học Phước Long 1 nơi xảy ra sự việc

Dưới góc nhìn pháp lý, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp.

Có thể xem việc cắt xén suất ăn là sai phạm có tổ chức không? Về vấn đề này, ai là người chịu trách nhiệm? Phải xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Theo những thông tin như trên, khi phát hiện tình trạng cắt xén suất ăn của học sinh thì Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu, các cán bộ, bộ phận hậu cần, nhà bếp... phải chịu trách nhiệm. Đây có thể được coi là sai phạm có tổ chức.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của từng người trong việc ăn bớt, ăn chặn tiền của học sinh. Cũng như phải làm rõ ai là người hưởng lợi số tiền chiếm đoạt; chiếm đoạt là bao nhiêu, để xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đối với những vụ việc này cần có sự vào cuộc của Hội cha mẹ học sinh, Thanh tra giáo dục...

Nếu phát hiện có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ, lãnh đạo trường để biển thủ, chiếm đoạt tiền ăn của các học sinh hòng tư lợi cá nhân thì cần nhanh chóng chuyển vụ việc đến cơ quan công an xem xét giải quyết.

Nếu có việc trường Phước Long 1 bớt xén ở mỗi suất ăn học sinh, có được xem là vi phạm pháp luật, coi là biển thủ, tham nhũng không?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Bộ Luật hình sự 2015 quy định tại Điều 353 về tội Tham ô tài sản như sau, “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2-dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 2-7 năm”

Như vậy, nếu những người được giao nhiệm vụ thu tiền, giữ tiền mà không sử dụng số tiền này vào mục đích phục vụ bữa ăn cho học sinh mà lợi dụng chức vụ để biển thủ từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự về tội danh trên.

Đối với trường hợp của Trường Phước Long 1, nhà trường đã ký hợp đồng cung cấp khoán suất ăn của học sinh với một bên thứ ba. Tuy nhiên, kể cả với trường hợp này thì nhà trường cũng phải có trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phối hợp giám sát kiểm tra tại cơ quan cung cấp suất ăn.

Theo luật sư, cần làm gì để hạn chế những tình trạng tương tự tái diễn?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Hầu hết những sai phạm trong việc cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh bị phát hiện bởi chính các phụ huynh, cũng giống như trường hợp của Trường Phước Long 1. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hành động mang tính tự phát.

Các phụ huynh cần liên kết và thông báo với Hội phụ huynh học sinh để một mặt ngăn chặn những tình trạng không đáng có này, mặt khác có được giải pháp hợp lý để xử lý khi những tình huống như trên xảy ra.

Mở rộng hơn, để tình trạng tương tự không tái diễn thì cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cả nhà trường và hội phụ huynh học sinh, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra phối hợp với cơ quan chức năng.

Như Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, Trường tiểu học Phước Long 1 có quy mô 30 lớp với hơn 1.230 học sinh. Việc tổ chức bán trú cho học sinh ăn trưa tại trường đã thực hiện nhiều năm qua, hiện có khoảng 930 học sinh bán trú. Mỗi tháng một học sinh bán trú phải nộp tổng cộng 609.000 đồng. Trong đó tiền ăn mỗi ngày của một học sinh là 27.000 đồng (gồm bữa trưa 19.000 đồng, bữa xế 5.000 đồng, còn lại là tiền chất đốt).

Vào trưa 1/10, đại diện phụ huynh học sinh một lớp có việc được vào bếp ăn bán trú của trường đã phát hiện lượng thực phẩm nấu cho học sinh ít hơn rất nhiều so với số lượng báo của nhà bếp nên đã đề nghị cân lại.

Theo phụ huynh, kết quả cân lại, thịt heo chuẩn bị nấu chỉ có 32kg kể cả thau, rổ đựng thịt, trong khi lượng thịt mà những người phụ trách bếp báo nấu cho học sinh là 65kg. Nhà bếp nói còn thịt đã mua chưa đem về kịp. Sau khi chờ thêm số thịt này, cân lại luôn tất cả cũng chỉ được 44kg.

Kiểm tra suất ăn bán trú của học sinh vào trưa cùng ngày, phụ huynh thấy mỗi suất ăn chỉ có cơm với hai miếng trứng rán có trộn thịt heo và canh. Hai ngày sau, lãnh đạo trường chấp thuận cho đại diện phụ huynh một số lớp vào bếp để tiếp tục kiểm chứng. Theo một đại diện phụ huynh học sinh, xô canh bữa trưa dành cho một lớp bán trú (tối thiểu 30 em) được nhà bếp báo là có 5 lạng thịt bò, nhưng thực tế chỉ được chừng 1 lạng.

Ngày 16/10, UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Phòng GD&ĐT TP Nha Trang lập đoàn kiểm tra Trường Tiểu học Phước Long 1 sau khi phụ huynh phát hiện bếp ăn bớt xén bữa ăn trưa của học sinh.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết sau đoàn kiểm tra có kết quả sẽ thông tin cụ thể sự việc. "Nguyên tắc là phải đảm bảo đúng khẩu phần, thực phẩm theo tiêu chuẩn của các học sinh. Nếu quả thực có vụ việc như vậy thì phải xem xét trách nhiệm của từng khâu, xử lý nghiêm, không thể vì một con sâu làm rầu nồi canh", ông Khánh chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc, theo báo Người Lao Động, Hiệu trưởng mới nghỉ hưu của Trường Tiểu học Phước Long 1 là bà Phan Thị Tiến Lợi. Bà Lợi trước đây là Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Tân Lập 1, TP Nha Trang - nơi bị phát hiện "ăn bớt" suất ăn của học sinh vào năm 2013. Khi đó, bà Lợi bị điều chuyển lên Phòng Giáo dục – Đào tạo TP Nha Trang một thời gian, sau đó được điều về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Phước Long 1.

Cũng liên quan đến vụ việc, báo Tuổi trẻ thông tin, kế hoạch thu chi bán trú năm học 2020-2021 của Trường tiểu học Phước Long 1, riêng khoản tiền "phục vụ bán trú" mỗi tháng một học sinh phải nộp 105.000 đồng. Toàn bộ tiền này hằng tháng được chia hết cho 13 đối tượng. Cụ thể, hiệu trưởng và 30 bảo mẫu (được hưởng cao nhất, 2,2 triệu đồng); hiệu phó và kế toán (1,76 triệu); cán bộ thanh tra, Công đoàn, nhân viên y tế (880.000 đồng), tổng phụ trách Đội (660.000 đồng); 3 bảo vệ và 2 phục vụ (mỗi người 400.000 đồng); quản lý thu tiền, viết biên lai (1,8 triệu đồng) và công khiêng vạc giường (4 triệu đồng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.