Bột nếp, món quà quê cầu kỳ

GD&TĐ - Hễ có dịp về quê của bà nội bọn nhỏ - Nga Thủy (Nga Sơn, Thanh Hóa) là thể nào ông nội cũng mang bột nếp ra.

Ảnh: Quốc Bình.
Ảnh: Quốc Bình.

Đây là món quà mà lúc còn ở với thế giới này bà dì vẫn gửi đều theo xe khách.

Ở thành phố không thiếu bột nếp, nhưng đám nhỏ vẫn mong chúng được gửi ra từ quê, nhất là lúc muốn thưởng thức tấm bánh rán hay tết bánh trôi, bánh chay đến gần (3/3 âm lịch). Cũng bởi, mua từ siêu thị chỉ có loại gạo nếp khô cho vào máy xay thành bột tinh, khi ăn vẫn cảm giác có hạt lấm tấm, không dẻo mịn.

Còn để có thức quà quê có thể gọi là đặc sản của vùng đất trồng cói nhiều hơn trồng lúa này là cả một công đoạn cầu kỳ. Này nhé, gạo nếp phải được ngâm cả đêm nở bung và đưa vào cối xay cùng nước.

Ngày trước là cối đá quay tay, làm xong một đợt mỏi nhừ. Giờ có máy xay nên nhàn hơn muôn phần. Nước bột thu được để trong chậu cho lắng. Sau khi chắt phần nước trong thì nhẹ nhàng “bứng” từng miếng đặt lên tấm vải, đem phơi hoặc sấy khô rồi đóng túi, dành làm bánh dịp lễ tết và làm quà cho người phố thị.

Bánh nặn từ bột nếp này lúc nào cũng đem lại cảm giác ướt và dính tay, nhất là làm bánh rán hay bị dính nhằng vào nhau. Dẫu vậy, mẹ đám nhỏ vẫn không pha bột tẻ và cần mẫn rán rồi tách từng chiếc, bởi lý do: Cần giữ trọn vẹn sự thuần chất của quê hương!

bot-nep-1.jpg
bot-nep-2.jpg
Ảnh: Quốc Bình.

Quả vậy, bọc lấy nhân thịt băm (bánh rán) hay viên đường, đỗ xanh (bánh trôi, chay), vỏ nếp ấy thật dẻo và thơm, giòn đến… “mượt” chứ không có những lật sật, sượng sùng như đâu đó.

Có thể bọn nhỏ chưa thể thấu cảm hết được sự “thuần nhất” mà mẹ chúng đúc kết sau những tháng ngày xa quê, bươn chải nơi đất khách quê người, nhưng nhìn đôi mắt si mê cùng nụ cười sung sướng trước những chiếc bánh là thấy rõ chúng cũng hiểu lắm cái riêng biệt, sự đắt giá mà bột nếp Nga Sơn mang lại.

Trong câu chuyện, chúng hay nhắc nhớ về bà dì (em gái bà nội) dù vất vả lam lũ nhưng lúc nào cũng dành thời gian làm bột nếp rồi gửi cho đám cháu nhỏ biết mùi vị quê hương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ