Bánh rán 'tiến vua'

GD&TĐ - Có thể khẳng định từ xa xưa, bánh rán là một trong các đồ cúng tế chính thức trong các lễ trọng của Cổ Nhuế.

Lễ hội làng không ai có bánh rán. Ảnh: Huy Bằng
Lễ hội làng không ai có bánh rán. Ảnh: Huy Bằng

Có lẽ, đây là lễ hội làng lớn nhất mà tôi đã được chứng kiến mà có lẽ tập trung nhất, công phu nhất, hoành tráng nhất là việc rước kiệu thánh vân du dọc làng xưa từ sáng đến đầu giờ chiều ngày 1/3/2023 (tức ngày 10 tháng 2 năm Quý Mão).

Ngày hội làng, vợ chồng tôi đợi đoàn rước kiệu rồng rắn qua thì túc tắc đi bộ từ chùa Sùng Quang xuống chùa Anh Linh. Khỏi phải nói không khí hồ hởi hiếm có của con dân Cổ Nhuế - Kẻ Noi.

Chả gì cũng là kỷ niệm 995 năm Kẻ Noi được mang tên chữ là Cổ Nhuế cơ mà. Hầu như nhà nào ở ven đường cũng bày tỏ lòng thành với không ít gửi gắm vào những mâm cỗ, hương án trang trọng, khói hương nghi ngút muôn vẻ, muôn hình.

Có họ còn huy động con cháu che rạp, sắp đặt những đồ tế lễ gia bảo, bài bản, rất oai. Đồ lễ nhất định phải có trầu cau, rượu, vàng mã và nhiều đồ mặn, ngọt khác nhau. Tôi để ý thấy nhiều nhà có bánh dầy, chè kho (vàng và nâu). Nhà nhà mừng vui, người người hoan hỷ.

Rằng hay thì thật là hay mà vẫn có cái gì đó băn khoăn. Sau lễ có dịp ngồi nhấm nháp lại sự kiện có một không hai này, tôi đưa cái băn khoăn ra hỏi một số người thì chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Một là, sao lại có hai loại chè kho (i) loại để nguyên đậu xanh nên có màu vàng (ii) Loại có màu nâu chắc do đậu đã được rang lên?! Hai là, sao không nhà ai có món bánh rán trong mâm lễ.

Về giở lại cuốn “Thần tích - Thần sắc, thôn Viên, Hoàng, Trù, Đống” lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì thấy có hai đoạn nói về bánh rán như sau:

- Mục 5A) Đồ lễ: Ngày 12 tháng 2, ngày 10/10, mỗi kỳ tế một con trâu và lễ riêng của các giáp có chè kho, bánh dầy, bánh rán đem ra đình lễ nữa, còn các tiết thì mỗi kỳ một con lợn, một mâm xôi, còn ngày sóc vọng thì cúng bằng oản quả, xôi gà. Từ ngày cải lương phong tục đến giờ không có thay đổi gì cả”.

- Mục 10A: Đồ cúng tế ngày xưa tế trâu, lợn, xôi, chè kho, bánh giầy, bánh rán, gà, oản quả, ngày nay cũng vẫn thế không có gia giảm gì cả.

Cuối nội dung này có đầy đủ chữ ký và triện của Chánh tổng Cổ Nhuế, Lý trưởng Cổ nhuế Viên, Lý trưởng Cổ Nhuế Trù Đống, Lý trưởng Cổ Nhuế Hoàng. Như vậy, có thể khẳng định từ xa xưa, bánh rán là một trong các đồ cúng tế chính thức trong các lễ trọng của Cổ Nhuế.

Lệ làng rõ như vậy mà viết chỉ để viết thôi sao? Phải có cái lý nào về chuyện này chứ. Tại sao chè kho và bánh dầy thì vẫn giữ được mà bánh rán thì không?

Trong cuốn “Lịch sử cách mạng xã Cổ Nhuế” (nêu trên) có mô tả đất đai, thổ nhưỡng Cổ Nhuế không chỉ phù hợp trồng các loại lúa quý mà còn trồng màu nhiều loại ngon đặc biệt như nếp cái hoa vàng, khoai lang trứng gà, ngô nếp, mía tím, các loại đỗ… Rõ ràng, đây là những nguyên liệu “của nhà trồng được”, tiện cho việc làm món chè kho và bánh dầy.

Còn bánh rán cũng làm chủ yếu từ gạo nếp (làm vỏ), đỗ xanh (làm nhân), đường mía (bao ngoài) nhưng cái “chết người” có lẽ là ở món mỡ dùng để rán bánh. Cổ Nhuế tuy sớm phát triển chăn nuôi nhưng luôn phụ thuộc trồng trọt, không là ngành kinh tế độc lập.

Thành thử lúc không đủ ăn thì phải nghĩ cơm trước, chứ không phải thịt trước. Vậy thì lấy đâu ra mỡ mà rán bánh chứ? Thời bao cấp có lúc thèm bánh rán, ông anh tôi nhào bột mì, lót lá chuối tây đem áp chảo cho xém vàng lên gọi là bánh rán. Dù dùng chảo rán, bánh cũng vàng đẹp đáo để nhưng không có dầu mỡ gì nên chắc chắn bản chất không thể là bánh rán được.

Xưa không biết thế nào nhưng từ khi tôi bé đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước thì món dầu, mỡ luôn là món hàng quản lý mang tính chiến lược của mỗi gia đình.

Phải chăng điều kiện dầu mỡ đã trói buộc dân làng tôi duy trì và phát triển món này?! Vậy nay dầu mỡ không là vấn đề nữa mà sao chẳng ai còn nhớ đến món đồ lễ đã được “luật hóa” một thời? Hay là sản phẩm của giai đoạn phong kiến, lạc hậu cần bỏ?

Trong cuốn tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh in năm 2011 có nói chút về một loại bánh rán gọi là bánh rán tiến vua ở một làng ven đô trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Cụ Khánh là một tiểu thuyết gia viết về văn hóa - lịch sử mà tôi rất ngưỡng mộ.

Cụ quê gốc Cổ Nhuế, cùng họ nội nhà tôi nhưng lớn lên và sinh sống ở Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng). Sinh thời giỗ Tổ, cụ vẫn về “đánh chén” cùng anh em con cháu, chuyện trò rất vui. Cụ từng tâm sự là những dịp đó đã giúp cụ hiểu về làng quê, giàu thêm chất liệu viết nên các tác phẩm nổi tiếng sau này.

Bố tôi là trưởng họ Nguyễn (thôn Đống, Cổ Nhuế) đời thứ 16 cũng khá quan tâm về lịch sử, văn hóa làng. Ông cũng đã nhiều dịp nói chuyện (và có thể đã gửi cụ Khánh một số trang viết nôm na của mình) về một số phong tục của làng.

Nhưng điều đáng nói hơn là ông đã “đạo diễn kiêm diễn viên chính” của món bánh rán đặc biệt (ông cũng gọi là bánh rán “tiến vua”) mà tôi được tham gia từ gần 40 năm trước (một kỷ niệm thật quý giá với tôi).

Tôi có hạnh phúc được trải nghiệm thực tế món bánh rán đặc biệt này rồi nên nôm na kể ra đây ngõ hầu nhận được nhiều ý kiến cùng vui.

Khoảng giữa năm 1987, khi tình cảm giữa tôi và bà xã bây giờ đã nâng lên kha khá thì bố mẹ tôi bảo chúng tôi xin “các cụ trên nhà cho bố mẹ lên nói chuyện chính thức cho hai đứa đi lại với nhau”. Bố tôi thường nói phong tục cưới hỏi xưa rất nhiêu khê, giờ điều kiện khó khăn không nên nệ cổ.

Vậy nhưng cũng không nên nôm na quá mà cần trân trọng, chân thành, ý nghĩa. Vậy là quyết định được đưa ra: Làm món bánh rán “tiến vua”. Nghe vậy thì biết vậy thôi chứ biết nó thế nào. Ngay mẹ tôi là người năng làm các loại bánh, có lúc cũng làm cả bánh ra chợ bán mà cũng không biết.

Cây duối cổ thụ còn sót lại ở Cổ Nhuế (lá duối là một nguyên liệu tạo nên độ giòn của bánh rán 'tiến vua'). Ảnh: Huy Bằng.

Cây duối cổ thụ còn sót lại ở Cổ Nhuế (lá duối là một nguyên liệu tạo nên độ giòn của bánh rán 'tiến vua'). Ảnh: Huy Bằng.

Bố đích thân chỉ đạo như sau: Trước hết là giã gạo, rây ra bột thật mịn với tỷ lệ hai nếp một tẻ. Sau, bố bảo anh em ra ngõ vặt một rổ xảo lá duối. Lúc đó, cổng nhà tôi còn cây duối to, lá khá ròn, quả lấm tấm vàng như hạt ngô to.

Chúng tôi chỉ biết chặt cành duối lấy gỗ đẽo quay và nhấm nháp quả duối chứ chưa biết dùng lá duối làm gì bao giờ. Lá duối xanh, không sâu được rửa sạch, cho vào cối giã nhỏ, chế chút nước vào rồi vắt ra được bát nước xanh xanh đem trộn với bột được nắm to hơn quả bưởi, dẻo mà không dính.

Bố đặt cái nồi gang to lên bếp, đổ hơn nửa phạng mỡ rán từ mấy cân thịt lợn mua bằng phiếu tăng gia để dành đã lâu. Chờ mỡ nóng già thì dàn “quả bưởi” mỏng ra như cái thớt nhỏ, dày khoảng 2cm, đặt cân vào giữa nồi, ngập mỡ, đun nhỏ lửa.

Bột cứ phồng lên lại lấy đũa chọc xuống. Cứ chọc lên chọc xuống đến lúc thấy bột chín vàng, phồng như cái bánh đa nướng thì vớt ra để vào cái sàng cho róc mỡ. Mùi nếp, mùi mỡ thơm ngậy, bọn trẻ đã thèm lắm, có đứa nuốt nước bọt không giấu được. Lúc này, bố mới rưới mật mía pha chút mạch nha lên.

Cái bánh to gần bằng lòng mâm đồng, bột rán màu vàng sẫm, bóng nhoáng mỡ lợn, màu nâu nhễ nhại của mật, mùi thơm ngào ngạt mang lại cảm nhận chưa từng có cho các giác quan. Bố bảo bánh này xưa gọi là bánh “tiến vua”, có thể để cả tháng được, cũng là một món truyền thống của làng. Trông thế mà rất giòn, khi ăn chỉ cần bẻ bằng tay.

Sáng hôm sau, bố mẹ mang một cái lên nhà vợ tôi để chạm ngõ “xin cho hai cháu chính thức đi lại với nhau”. Có lẽ nhà vợ tôi (cũng như nhiều nhà khác) đều lạ với món này nên bố tôi hai tay bưng mâm bánh rán mà thưa rằng: “Thưa các cụ, các ông, các bà! Được phép của các cụ và hai gia đình, hôm nay chúng con lên thăm gia đình ta và xin có lời chính thức cho hai cháu đi lại. Phong tục cưới xin của tổ tiên thì không dám bỏ nhưng điều kiện bây giờ cũng khó câu nệ được đầy đủ.

Chúng con trộm bắt chước các cụ xưa làm món bánh rán “tiến vua” trước là thắp hương báo cáo các cụ tổ tiên, sau là mời cả nhà thưởng thức. Hôm nay là ngày vui, khởi đầu với mong muốn quá trình tiếp theo tốt đẹp.

Thần tích - Thần sắc làng Cổ Nhuế nêu rõ đồ cúng tế có bánh rán. Ảnh: Huy Bằng.

Thần tích - Thần sắc làng Cổ Nhuế nêu rõ đồ cúng tế có bánh rán. Ảnh: Huy Bằng.

Bánh rán là một lễ vật cổ truyền của Cổ Nhuế ta, chả biết con làm có đúng không nhưng lòng chúng con mong tình cảm hai gia đình luôn tròn vành vạnh, ngọt ngào ấm áp với câu chuyện khởi đầu ròn rã để tình cảm mãi nở nang như cái bánh này”.

Món bánh rán đặc biệt này đã chính thức mở đầu câu chuyện hạnh phúc trăm năm của chúng tôi như vậy. Mọi người có mặt đều hoan hỷ, chuyện trò râm ran, cùng nhau thưởng thức, khen ngon, khen lạ.

Ấy, cái chuyện bánh rán “tiến vua” của tôi đại để là vậy. Giờ thì Cổ Nhuế đã lên phường. Nhiều hủ tục phải bỏ nhưng nhiều truyền thống quý rất cần được quan tâm chắt lọc, lưu giữ.

Các món quý hiện nay có mác “tiến vua” ngày càng xuất hiện nhiều trong văn hóa và thương mại. Truyền thuyết của Cổ Nhuế hiện được ghi lại cũng chỉ nói là khi Đông Chinh Vương (hoàng tử thứ ba của Lý Thái Tổ) đi đánh trận qua làng thì các bô lão mang bánh trái ra cung cấp cho đội quân.

Khi ngài thắng trận trở về cũng lại mang bánh trái ra khao quân. Bánh rán tiến vua với mật, mỡ, nếp, tẻ vừa có nhiều chất, vừa là đồ khô dễ mang theo, để được lâu (không có nhân nên lâu thiu), dễ sử dụng mà dùng ăn đường thì quá tốt.

Tôi không có cứ liệu để nói cụ thể loại bánh này “tiến vua” thế nào? Và loại bánh rán như mô tả trên đây cũng không nhìn thấy ở đâu nữa (ngoại trừ món bánh dạm ngõ cho tôi kể trên).

Làng cũng không còn mấy cây duối nữa nhưng “công nghệ làm bánh ” như trên thiết nghĩ cũng chẳng khó gì. May là cổng nhà bố vợ tôi nay còn một cây duối cổ, rất to (năm 1987 lên “cưa” bà xã thì hay đứng chờ/ chia tay ở gốc duối này). Cây duối khá cao, lá luôn xanh tốt, hàng ngày bố vợ tôi vẫn ngồi trong nhà nhìn ra cây duối này và luôn lưu ý việc giữ gìn cây quý dài lâu.

Thấy tôi viết bài này, con gái “gạ” bố “hôm nào thử làm lại món bánh rán này bố nhé”. Tôi rất vui bảo con lên kế hoạch tụ tập mấy chị em thực hiện sớm luôn (không cần chờ bố để dành mỡ như ông làm xưa nữa!).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cách làm bánh Tiramisu trà xanh Cách làm các loại Bánh nướng